Phụ nữ Bạch Thông chuyển động cùng chuyển đổi số

Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số giúp phụ nữ huyện Bạch Thông mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, tri thức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tìm kiếm cơ hội phát triển.

Nhóm trồng rau, quả sạch thôn Nà Lầu, xã Tân Tú quay lại quy trình sản xuất cho khách hàng theo dõi.
Nhóm trồng rau, quả sạch thôn Nà Lầu, xã Tân Tú quay lại quy trình sản xuất cho khách hàng theo dõi.

Đầu năm 2022, thôn Nà Lầu, xã Tân Tú được Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới hỗ trợ làm nhà lưới trồng rau, quả an toàn thông qua Dự án Cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng nghèo. Điều này mang lại cơ hội phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp cho Nhóm hộ phụ nữ do chị Nguyễn Thị Lam làm trưởng nhóm.

Không chỉ thay đổi về phương thức sản xuất, quản lý theo hướng hiện đại hơn mà cách thức tiếp cận khách hàng để bán nông sản của Nhóm hộ trồng dưa sạch tại Nà Lầu cũng đổi khác. Toàn bộ quy trình làm đất, trồng cây, ủ và bón phân, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm dưa lưới của nhóm đều được chị Lam chụp ảnh, quay clip giới thiệu trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Việc công khai quy trình canh tác, thu hoạch giúp người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm dưa sạch của nhóm phụ nữ Nà Lầu nên ngay vụ đầu lượng dưa trồng trên diện tích 1.000m2 không đủ bán, giá cao hơn so với trồng dưa theo phương thức truyền thống từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

"Lúc mới thực hiện việc đưa hình ảnh sản xuất của nhóm lên mạng xã hội cũng hơi ngần ngại, vì mình chưa quen với cách thức này, nhưng khi bắt nhịp được thì  hiệu quả từ bán hàng online trên mạng xã hội là rất lớn. Nhóm đang có dự định mở rộng diện tích trồng và đa dạng các loại rau, quả sạch trong thời gian tới", Trưởng nhóm trồng rau, quả sạch thôn Nà Lầu, chị Nguyễn Thị Lam cho biết.

Đối với HTX Thiên An (xã Vi Hương), sau 07 năm thành lập, từ HTX nhỏ bé với các thành viên và giám đốc đều là nữ, đến nay đã trở thành HTX hàng đầu của huyện Bạch Thông. Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên về chuyển đổi số, HTX Thiên An đã tạo cho mình sức bật trong sản xuất, kinh doanh trên nền tảng của thương mại điện tử.

Dấu ấn chuyển đổi số ở HTX Thiên An dễ dàng nhận thấy trong công tác quản lý, điều hành, trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là khâu giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Các sản phẩm chủ lực như: Thuốc tắm thảo dược và gối dược liệu thổ cẩm của Thiên An có mặt tại nhiều tỉnh, thành miền Nam nhờ xuất hiện trên những trang thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam như: Postmart, Tiki, Shopee...

Giám đốc HTX Thiên An (Vi Hương), Lý Thị Quyên giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội Facebook.
Giám đốc HTX Thiên An, chị Lý Thị Quyên giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội Facebook.

Chuyển đổi số cũng len lỏi lên thôn vùng cao của đồng bào Dao ở Nà Pán, xã Đôn Phong. Khi internet về bản, những chiếc smartphone không chỉ là phương tiện liên lạc, lướt mạng xã hội mà còn là công cụ, phương tiện giúp người dân Nà Pán trong đó có phụ nữ học hỏi kỹ thuật trồng trọt hay chào bán nông sản của gia đình. Khoảng 2 năm trở lại đây, song song với hình thức bán hàng truyền thống tại các chợ, nhiều phụ nữ ở Nà Pán đã biết dùng Facebook, Zalo cá nhân để giới thiệu và bán các sản phẩm chè và quýt.

Trong công tác Hội và hoạt động chuyên môn, hội viên phụ nữ huyện Bạch Thông cũng dần chuyển động theo nhịp chuyển đổi số của thời đại. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện có gần 6.000 hội viên sinh hoạt ở 139 chi hội. Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp hội, cũng như nắm bắt thông tin từ hội viên cơ sở, 127/139 chi hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã lập nhóm Zalo chung. Cán bộ, hội viên phụ nữ công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện cũng chủ động sử dụng các phần mềm quản lý chung, quản lý chuyên ngành hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyên môn.

Bà Ngôn Thị Chanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bạch Thông cho biết: Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, là công cụ hữu dụng giúp thay đổi phương thức làm việc, sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ. Nhận thức được điều nay, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ toàn huyện chủ động tìm hiểu, học tập và thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, ngành, nghề.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong các cấp hội và hội viên phụ nữ Bạch Thông mới đang ở những bước đi đầu và còn hạn chế. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xác định cần làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, qua đó góp phần thay đổi vị thế của phụ nữ trong xu thế hội nhập toàn cầu./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm