Phong tục đón Tết của người Nùng ở Cao Sơn

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Là dân tộc chiếm đa số ở Cao Sơn (Bạch Thông), đồng bào Nùng nơi đây có những nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ và phát huy, trong đó có phong tục đón Tết.
Ông Nông Thanh Pảo, thôn Khau Cà, xã Cao Sơn sắp bàn thờ đón năm mới.

Ông Nông Thanh Pảo, thôn Khau Cà, xã Cao Sơn sắp bàn thờ đón năm mới.

Trong những công việc chuẩn bị đón năm mới, việc đầu tiên của gia đình ông Nông Thanh Pảo, thôn Khau Cà là dọn dẹp nhà cửa nhằm tạo không khí đón năm mới cho thật ấm cúng và trang trọng. Phần khác cũng mong muốn tống tiễn những điều không may mắn của năm cũ và chờ đợi điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Từ đầu chiều 30 Tết, ông Pảo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên gia đình quét dọn, trang trí nhà cửa, riêng phần dọn bàn thờ phải do đích thân ông làm vì ông là chủ nhà. Đối với mỗi thành viên trong gia đình, dọn dẹp nhà cửa không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui để cảm nhận không khí Tết đang đến gần. Trước đó 3 ngày, vợ ông Pảo là bà Hoàng Thị Nàng đã hoàn thiện việc làm bánh chưng đen, một món ăn mang đậm phong vị Tết của người Nùng nơi đây.

Bà Hoàng Thị Nàng chia sẻ: “Bánh chưng đen được làm từ những nguyên liệu như bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên, nguyên liệu tạo nên sự khác biệt, đó là tro của rơm nếp, cây gừng và cây vừng. Đây chính là nguyên liệu tạo cho bánh màu đen bóng lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy, khi ăn có mùi thơm và vị mát chứ không nóng như bánh chưng thông thường. Sau vụ lúa mùa, gia đình chọn những cọng rơm nếp to, thân cây gừng, cây vừng đem phơi khô rồi đốt thành tro. Tiếp đó đem về giã, lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu sắc đặc biệt cho bánh”.

Gia đình ông Nông Thanh Pảo quây quần gói bánh chưng ngày Tết.

Gia đình ông Nông Thanh Pảo quây quần gói bánh chưng ngày Tết.

“Tết mà thiếu bánh chưng đen thì coi như không có Tết”, bà Hoàng Thị Nàng cười bảo.

Ông Nông Thanh Pảo cho biết: Những ngày Tết, người Nùng chỉ có một mâm cơm gồm: Gà trống, miếng thịt lợn, bánh kẹo, trái cây cúng từ chiều 30 đến sáng mùng 2 mới hạ mâm. Người Nùng quan niệm rằng, làm lụng cả năm vất vả nên ngày mùng 1 Tết, con người, thần linh và các vật dụng trong nhà đều cần được nghỉ ngơi. Đồ cúng từ chiều 30 Tết sẽ được đun nóng lại cúng vào ngày mùng 1, rau xanh cũng được lấy từ hôm trước. Những vật dụng gia đình, nông cụ sản xuất như: Dao, thớt, cuốc đều được cho nghỉ và thắp lên một nén hương. Trước đây, khi chưa có nước sinh hoạt tập trung dẫn về từng nhà thì chiều 30 Tết, các hộ dân trong thôn thường mang 3 nén hương ra khe nước đầu thôn khấn xin mang nước về đón năm mới.

Người Nùng cũng có phong tục xông nhà ngày Tết nhưng có đôi chút khác biệt so với người Kinh. Đồng bào nơi đây không kén chọn tuổi để xông nhà, chỉ cần người đầu tiên đến nhà mình năm mới là con trai cùng với những lời chúc tốt đẹp sẽ mang lại nhiều may mắn. Tục mừng tuổi được lưu giữ từ nhiều năm nay với ý nguyện dành cho người già, trẻ em những điều chúc tốt đẹp nhất khi xuân sang. Thay vì trực tiếp mừng tuổi cho các cụ già, em nhỏ, khách đến chúc Tết sẽ đặt lên bàn chút tiền mừng tuổi được gói bằng giấy màu đỏ.

Sáng mùng 2 Tết, sau khi hạ mâm cơm cúng cũng là thời điểm đồng bào Nùng Cao Sơn hòa mình trong các trò chơi dân gian của ngày hội xuân. Dù đang ở độ tuổi trung niên, nhưng sức xuân vẫn căng tràn trong huyết quản của ông Hoàng Văn Phong, thôn Thôm Khoan. Từ thuở thiếu thời, lập gia đình và nay đã ngoài 50 tuổi, hội xuân năm nào của địa phương ông Phong cũng góp mặt.

Ông Hoàng Văn Phong: “Tết ở Cao Sơn rất vui với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, trong đó có trò tung còn. Người chơi sẽ cố gắng tung thật cao, thật trúng để cầu chúc điều may mắn cho sản xuất, cuộc sống, tình duyên, sức khỏe. Để tăng phần hấp dẫn, Ban Tổ chức chia thành đội nam và đội nữ thi xem bên nào ném trúng sẽ được nhận phần quà của bên kia. Ngoài ra, chơi đánh yến, lày cỏ... cũng hấp dẫn người dân cùng đến vui chơi, hòa vào sắc xuân vùng cao. Trước đây, Tết của người Nùng thường kéo dài đến giữa tháng Giêng nhưng nay chỉ đến ngày mùng 6 Tết, để bà con tập trung lao động, sản xuất”.

Tết Nguyên đán là dịp để đồng bào Nùng ở Cao Sơn sum họp và vui chơi sau một năm lao động vất vả. Những trò chơi, những bài hát như kết nối mọi người gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết của đồng bào. Đây cũng là dịp để đồng bào Nùng thể hiện trách nhiệm gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm