Phong trào trồng quế để thoát nghèo ở Nông Thượng

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thời gian qua, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) tích cực vận động Nhân dân trồng cây quế để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cùng với cây chuối, quế đã và đang là cây trồng chủ lực giúp đời sống của bà con địa phương từng ngày khởi sắc.
Ông Bàn Quý Lê, thôn Tân Thành, xã Nông Thượng chăm sóc rừng quế.

Ông Bàn Quý Lê, thôn Tân Thành, xã Nông Thượng chăm sóc rừng quế.

Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền xã Nông Thượng quan tâm thực hiện và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo bà Triệu Thị Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã: "Nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, xã đã vận động người dân đẩy mạnh trồng quế. Tổng diện tích quế của toàn xã hiện có trên 300ha, tập trung nhiều tại các thôn Tân Thành, Nà Kẹn, Nà Vịt, Khuổi Chang. Khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống của người dân những thôn trồng nhiều quế đổi thay rõ nét. Bà con xây dựng được nhà cửa khang trang, mua được nhiều ô tô làm phương tiện đi lại"...

Thôn Tân Thành có 87 hộ với 407 nhân khẩu; diện tích đất canh tác trên 300ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 90%. Ông Phượng Văn Tình, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Chi bộ thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân tranh thủ chăm sóc và trồng mới cây quế sau khai thác. Hiện thôn có 255ha quế. Trong đó diện tích trồng mới năm 2022 khoảng 10ha. Quế là cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc. Nhờ trồng quế, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, mua sắm được những vật dụng sinh hoạt và sản xuất có giá trị. Không những vậy, còn giúp thay đổi nhận thức của bà con, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng tại địa phương. Năm 2022, thôn giảm được 3/12 hộ nghèo và 3/7 hộ cận nghèo.

Nằm giáp thôn Tân Thành, thôn Khuổi Chang có 28 hộ với 111 nhân khẩu. Diện tích đất canh tác và đất tự nhiên của thôn có khoảng 87,6ha, trong đó có khoảng 80% trồng quế. Nhờ cây trồng này, đến nay thôn không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Anh Nông Quốc Dưỡng, một hộ dân trong thôn cho biết: Gia đình tôi hiện sở hữu 4ha quế. Tôi mở xưởng thu mua, bóc vỏ quế cho bà con địa phương, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Dưỡng nhận định: "Dù giá thu mua vỏ quế có biến động theo năm, tuy nhiên người trồng quế vẫn có lợi ích kinh tế cao, cây trồng này có triển vọng lâu dài".

Thôn Nà Kẹn có có 68 hộ với 265 nhân khẩu, diện tích đất canh tác có 200ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 80%. Theo ông Hoàng Văn Thác, Bí thư Chi bộ thôn: Trước đây bà con địa phương chủ yếu trồng chuối và các cây lâm nghiệp như keo, mỡ. Sau khi cây chuối dần thoái hóa, nhận thấy việc trồng quế mang lại giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập gia đình, Chi bộ thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang trồng quế. Hiện nay 15ha quế của thôn đang phát triển tốt, được bà con chăm sóc, trồng mới. Một số hộ đã được khai thác tỉa, mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Trồng quế tại xã Nông Thượng đang trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ. Tại thôn Nà Vịt, ban lãnh đạo thôn đã vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân tích cực trồng quế để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tổng diện tích rừng trồng của thôn có trên 100ha, trong đó riêng quế có khoảng 15ha với 20 hộ trồng. Nà Vịt khuyến khích bà con vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây quế. Nhờ tích cực trồng rừng, thu nhập của người dân nơi đây ngày càng ổn định, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ. Trong năm 2022 thôn giảm được 01 hộ nghèo.

Theo đánh giá của lãnh đạo xã Nông Thượng, với giá tiêu thụ bình quân 22.000 đồng/kg vỏ quế, cây quế giúp người dân có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/hộ/năm. Riêng năm 2022, xã đã giảm được 09 hộ nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu hiệu quả, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới./.

Xem thêm