Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn nhóm vấn đề lĩnh vực tòa án

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 20/3, tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực tòa án. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến tới các địa phương trong cả nước.

Đến dự phiên chất vấn có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ…

Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; tham dự có các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn khóa XV; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành…

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phiên chất vấn là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng, cử tri những thông tin chính thống và kết quả công tác của ngành mình. Qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp và trách nhiệm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới. Phấn đấu đến năm 2030, nước ta hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tòa án trong thời gian tới.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tòa án trong thời gian tới.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các ĐBQH đã tập trung chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình những nội dung như: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa còn cao; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến…

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia chất vấn Chánh án TAND tối cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia chất vấn Chánh án TAND tối cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chất vấn: Thời gian qua, UNICEF đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và Tòa án Tối cao đã trình hồ sơ đề nghị đưa dự án Luật Tư pháp vào chương trình. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết việc ban hành đạo luật này có khắc phục được bất cập trong giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên hiện nay hay không? Đề nghị cho biết kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến?

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.

Trả lời các ý kiến chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Thực tiễn vẫn còn tình trạng một số án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang… tuy nhiên số lượng không nhiều. Nguyên nhân do việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế. Để khắc phục tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong dự án Luật Đất đai.

Về tư pháp người chưa thành niên, TANDTC đang trình 1 Dự án Luật về nội dung này, hồ sơ đang được chuẩn bị tương đối đầy đủ; điều này thể hiện sự nhân ái, nhân đạo đối với trẻ em. Đến nay, ngành Tòa án đã xét xử hơn 5.400 vụ theo hình thức trực tuyến. Chánh án TAND tối cao đề nghị Quốc hội sớm phê duyệt các chương trình liên quan để có nguồn lực phục vụ việc xét xử trực tuyến chất lượng và hiệu quả. Các vụ việc, vụ án quá thời hạn là do áp lực công việc quá lớn, phải giải quyết khối lượng công việc gấp đôi quy định; năng lực, trách nhiệm của một số thẩm phán cần được nâng cao hơn nữa. Tỷ lệ hủy, sửa, áp dụng không đúng pháp luật do lỗi chủ quan dưới 1,5%...

Về hòa giải, những năm qua ngành Tòa án đã thực hiện 72.000 vụ, giúp giảm tải đáng kể số vụ việc tòa án phải giải quyết. Chánh án TAND tối cao đề nghị các đại biểu Quốc hội tôn trọng tuân thủ nguyên tắc độc lập, tránh trường hợp có đơn đề nghị Chánh án chỉ đạo giải quyết vụ án. Đối với các vụ án thi hành án rồi nhưng Tòa vẫn xử lại, nhằm đảm bảo công bằng, lẽ phải và quyền lợi cho người dân. Về thu tài sản tham nhũng, 10 năm qua chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để nâng cao tỷ lệ thu hồi thì công tác chứng minh, điều tra phải chất lượng và kịp thời phong tỏa tài sản...

Chánh án TAND tối cao đánh giá: Vẫn có những vụ án kinh tế, tranh chấp thương mại bị chậm trễ, kéo dài do đây là án rất khó. Giải pháp đặt ra là phải nâng cao chất lượng, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của các thẩm phán để áp dụng đúng pháp luật, đồng thời cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc, vụ án đúng thời hạn theo luật định. Về lý do người dân lựa chọn không kiện lên tòa án, Chánh án TANDTC cho biết, người dân có quyền lựa chọn cách giải quyết, hệ thống Tòa án tôn trọng sự lựa chọn của người dân và luôn nỗ lực làm hết trách nhiệm để xử lý các vụ án khi người dân gửi ra Tòa. Trên thực tế, nhiều vụ án người dân kiện liên quan về hành chính, đất đai. Mặc dù đã được giải quyết nhưng người dân không đồng tình với bản án đó và tiếp tục kiện. Việc các cơ quan tham gia tố tụng họp với nhau không làm ảnh hưởng tới nguyên tắc độc lập xét xử. Mà đây là việc cần thiết nhằm bàn giao hồ sơ, tài liệu và thống nhất thời gian tiến độ xét xử, không bàn về nội dung vụ án…

11h22, phiên chất vấn về lĩnh vực tòa án đối với Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình kết thúc. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá: Phiên làm việc đã diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, thu hút 35 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 29 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 06 đại biểu tranh luận với 50 câu hỏi. Các câu hỏi đều đi sâu vào những vấn đề cử tri và cán bộ, Nhân dân quan tâm, được Chánh án TAND tối cao trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm. Đồng thời Chánh án TAND tối cao đã nghiêm túc tiếp thu, nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại hạn chế, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chiều 20/3, phiên họp sẽ tiếp tục với phần chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Báo Bắc Kạn sẽ tiếp tục đưa tin về hoạt động này./.

Xem thêm