Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng nay (08/8), tại trụ sở Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 3 với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm tại phiên họp cho thấy, về Nhận thức số, Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, đến thời điểm này mới có 07/63 địa phương chọn Ngày Chuyển đổi số địa phương. Về Thể chế số, có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm; 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số.

Về Hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định đạt 71,79Mbps, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2021; Nền tảng số, có 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng; Nhân lực số, có 15/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

An toàn, an ninh mạng, ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 37,92% so với cùng kỳ 2021; Chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc; Kinh tế số, có 01/22 bộ, ngành, 16/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xã hội số, hoạt động của người dân trên môi trường số ghi nhận tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. Tính đến ngày 30/6, số lượng lượt tải mới các ứng dụng di động đạt gần 200 triệu lượt, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 7 toàn cầu về tổng số lượng lượt tải mới; đô thị thông minh, có 35/63 địa phương ban hành đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh, 20/63 địa phương ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh, 44/63 địa phương triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số cũng gặp phải những khó khăn nhất định như: Nhân lực, kinh phí cho chuyển đổi số, thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm triển khai công tác chuyển đổi số trong thời gian tới đạt hiệu quả nhất. Tiếp đó, phiên họp công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá về chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đứng thứ 51 trong cả nước, tăng 08 bậc so với năm 2020...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận phiên họp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận phiên họp.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Thủ tướng chỉ đạo: Trong thời gian tới, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn; tiếp tục phát triển kết nối 4 cấp từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số...

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.../.

Q.Đ

Xem thêm