Phát triển nuôi trồng thủy sản ở Ba Bể

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Với lợi thế về nguồn nước và điều kiện khí hậu, những năm qua huyện Ba Bể luôn quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản cho người dân. 
Nuôi cá lồng trên sông Năng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nuôi cá lồng trên sông Năng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Toàn huyện hiện có 124ha diện tích nuôi cá ao; diện tích cá ruộng 17,5ha; nuôi cá lồng có 49 lồng bè, với thể tích khoảng 2.687m3 và 07 bể nuôi cá tầm, cá hồi thể tích khoảng 180m3.

Bà Mã Thị Thương Oanh, cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Ba Bể cho biết: Ba Bể có diện tích ao, hồ, sông suối lớn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Trên sông Năng, khoảng 5 năm trở lại đây người dân các xã Thượng Giáo, Bành Trạch, Khang Ninh, thị trấn Chợ Rã đã tổ chức nuôi cá lồng. Ban đầu chỉ có vài hộ nuôi, thấy lợi nhuận tốt nhiều hộ cũng tham gia nuôi.

Để hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng và phát triển thủy sản thành hàng hóa, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện Ba Bể chỉ đạo cơ quan chức năng khảo sát, tư vấn các hộ nuôi cá liên kết thành hợp tác xã để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ nhau từ khâu chọn lựa con giống đến bao tiêu sản phẩm. Huyện còn tổ chức cho thành viên các HTX đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở những địa phương có tiềm năng tương đồng.

Anh Vi Thành Đạt, Giám đốc HTX Sông Năng chia sẻ: “Thành lập năm 2020, hiện HTX chúng tôi có 07 thành viên, nuôi 10 lồng cá. Mặc dù mới thành lập nhưng do được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và tham quan học tập kinh nghiệm, nên đến nay mô hình nuôi cá lồng của HTX dần đi vào ổn định. Các loại cá của HTX bán ra thị trường với giá bình quân 100.000 đồng/kg, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Cá lồng sông Năng đã bắt đầu có thương hiệu, được đưa vào nhiều nhà hàng lớn, tiêu thụ tại thành phố Bắc Kạn và Thái Nguyên.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng, anh Đinh Văn Vị, thôn Phiêng Toản, xã Thượng Giáo (Ba Bể) cho biết: Nhà anh hiện duy trì hai lồng nuôi, dung tích 50m3/lồng, mỗi lồng thả khoảng 3.000 - 4.000 con cá. Thường thì anh thả rô phi và cá trắm cùng lồng. Rô phi khoảng 6 tháng cho thu hoạch một lứa, cá trắm khoảng 18 tháng thì cho thu hoạch, trọng lượng khoảng 5kg/con. Cứ ba đến bốn lứa cá rô phi thì cho thu hoạch một lứa cá trắm. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bình quân mỗi lồng cá cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng mỗi năm.

Về kinh nghiệm chọn giống, anh Vi cho biết nuôi cá lồng trên sông Năng hợp với các loài như trắm, rô phi, diêu hồng. Nên chọn cá giống nuôi từ nhỏ để cá dễ thích nghi môi trường. Nuôi cá trên sông, nguồn nước sau mỗi trận mưa lũ thường thay đổi đột ngột, nước đục. Nếu mua cá giống mà không lựa chọn kỹ rất dễ thất bại do cá chết hàng loạt.

Cách đây hơn một năm, gia đình anh Triệu Hoàng Thêu, thôn Phiêng Chì cũng khai thác mặt nước của lưu vực sông Năng để nuôi cá lồng. Ban đầu do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm nên gia đình chỉ nuôi với quy mô nhỏ. Từ khi tham gia vào HTX Sông Năng, anh được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Sơn La, Phú Thọ nên mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng lớn hơn. Đến nay gia đình anh sở hữu 3 lồng cá với số lượng bình quân 4.000 con/lồng gồm các loại chép, trắm, diêu hồng. Khi thu hoạch, gia đình anh xuất bán 1 lồng cá, đem lại thu nhập gần 40 triệu đồng.

Ngoài các thành viên của HTX Sông Năng, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể cũng chủ động đầu tư lồng bè, con giống để phát triển nghề nuôi cá lồng. Dọc lưu vực sông Năng đoạn qua địa phận các xã Khang Ninh, Thượng Giáo, thị trấn Chợ Rã, nhiều hộ đã đầu tư làm lồng bằng khung sắt kiên cố để nuôi thả cá. Từ những tín hiệu tích cực bước đầu, người dân Ba Bể mong muốn tiếp tục được huyện, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ về giống, thức ăn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ. Qua đó tận dụng lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương./.

Xem thêm