Phát triển kinh tế từ cây dong riềng: Bài cuối - Giải pháp từ chính sách hỗ trợ và cách làm hiệu quả ở xã Côn Minh

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Nhận thấy khó khăn, thức thách đối với việc phát triển cây dong riềng, từ giữa năm 2022, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp để tháo gỡ, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chuyên môn và các địa phương.
Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) họp với các hộ dân xã Côn Minh, thống nhất một số nội dung để sớm được công nhận là "Làng nghề miến dong".

Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) họp với các hộ dân xã Côn Minh, thống nhất một số nội dung để sớm được công nhận là "Làng nghề miến dong".

Góc nhìn từ xã Côn Minh

Dù diện tích trồng dong riềng 2 năm gần đây có giảm nhưng xã Côn Minh, huyện Na Rì vẫn là địa phương có cách làm hiệu quả trong phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây dong riềng.

Đến nay HTX Tài Hoan, xã Côn Minh đã có sản phẩm miến dong được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và xuất khẩu sang Cộng hòa Séc năm 2020. Từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp của tỉnh, huyện về máy móc, thiết bị, xúc tiến thương mại... đã thực sự mang lại những tác động tích cực đến sự lớn mạnh của HTX Tài Hoan. Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn ổn định vùng nguyên liệu sản xuất, hằng năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 300 tấn miến dong.

Đến nay, HTX có vùng nguyên liệu 70ha được ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với 500 hộ dân. Thành công của HTX Tài Hoan là minh chứng cho thấy để phát triển sản xuất bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất và người dân để có được vùng nguyên liệu ổn định; chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với HTX được sử dụng và phát huy hiệu quả.

Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì nêu định hướng phát triển cây dong riềng trên địa bàn huyện trong thời gian tới

Chị Trần Minh Anh, thành viên HTX Tài Hoan chia sẻ: Được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao (cấp quốc gia) mang lại lợi ích to lớn cho HTX, về thương hiệu, thị trường và giá thành sản phẩm. Để giữ vững và phát huy giá trị thương hiệu, HTX xác định tiếp tục giữ chữ "tín" với cả khách hàng và các hộ dân cung ứng nguyên liệu đầu vào. Có nghĩa là HTX sẽ bảo đảm giá cả thu mua củ dong riêng ổn định, hợp lý, đồng thời cũng tuyên truyền để người dân bảo đảm chất lượng nguyên liệu đúng như cam kết.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, HTX Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì) có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, HTX Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì) có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Không riêng HTX Tài Hoan, nhiều cơ sở chế biến tinh bột và miến dong trên địa bàn xã Côn Minh cũng được nhận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ cấp, ngành chức năng. Hiện tại, địa phương đang phối hợp thực hiện các quy trình để sớm được công nhận là làng nghề miến dong Côn Minh. Đây là bước đi quan trọng, khẳng định và nâng tầm thương hiệu nông sản miến dong của địa phương, đồng thời cũng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng dong riềng, sản xuất miến dong trên địa bàn.

Giải pháp từ chính sách hỗ trợ

Để phát triển bền vững cây dong riềng và sản phẩm miến dong, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống các giải pháp kỹ thuật để khắc phục hạn chế trong phát triển các diện tích trồng dong riềng (tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh, bón phân, quản lý dịch hại, xác định vùng trồng để phát triển đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ....); khôi phục vùng trồng dong riềng đảm bảo phát triển theo mục tiêu giao tại Kế hoạch số 775/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh.

Sở Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu giải pháp khôi phục, củng cố hệ thống các cơ sở chế biến miến dong; hướng dẫn, định hướng các cơ sở chế biến tùy theo năng lực để hình thành làng nghề, đưa vào cụm công nghiệp, mở rộng sản xuất phù hợp; hướng dẫn các cơ sở sản xuất miến dong nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, phát huy chỉ dẫn địa lý sản phẩm dong riềng đã được công nhận.

Cùng với đó, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hút, kêu gọi nhà đầu tư tham gia liên kết mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ nhằm gia tăng giá trị; mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm miến dong Bắc Kạn, đưa lĩnh vực chế biến miến dong vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh. Để đảm bảo chất lượng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm miến dong Bắc Kạn, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường tinh bột dong riềng và miến dong trên địa bàn tỉnh...

Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến diện tích cây dong riềng trên địa bàn giảm diện tích trong những năm qua. Giá phân bón tăng cao, trong khi giá thu mua củ dong riềng vẫn giữ nguyên khiến cho người dân một số địa phương không còn mặn mà với loại cây trồng này. Vì vậy, để giữ vững vùng nguyên liệu, cùng với chính sách cho khâu chế biến, tiêu thụ miến dong, cũng cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho người trồng dong riềng.

Để phát triển bền vững cây dong riềng cần thêm những chính sách hỗ trợ kịp thời của cấp, ngành chức năng.

Để phát triển bền vững cây dong riềng cần thêm những chính sách hỗ trợ kịp thời của cấp, ngành chức năng.

Với những chính sách đã và đang được triển khai cho thấy, tỉnh rất quan tâm để phát triển bền vững cây dong riềng. Tuy nhiên, để những chính sách này thực sự trở thành "chìa khóa" tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cây dong riềng rất cần sự quyết tâm, quyết liệt của cấp, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở. Không riêng cây dong riềng, để phát triển những loại cây trồng chủ lực khác của tỉnh như: Cam sành, quýt, mơ, hồi, hồng không hạt... ngành chức năng của tỉnh và các địa phương cần đánh giá lại cách thức hỗ trợ, hiệu quả của một số chính sách ưu đãi để tập trung nguồn lực đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm. Hiệu quả và cách làm tại xã Côn Minh (Na Rì) có thể là gợi ý cho các địa phương khác./. (Tiếp theo và hết)

Xem thêm