Phát triển các khu, cụm công nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Bắc Kạn đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững, phát huy tối đa các lợi thế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Sơ chế nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam MISAKI ở KCN Thanh Bình (Chợ Mới).
Sơ chế nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam MISAKI ở KCN Thanh Bình (Chợ Mới).

Với vị trí nằm ở đầu tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, KCN Thanh Bình có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển công nghiệp và kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Đây cũng là KCN duy nhất của tỉnh có 08 dự án đã hoạt động sản xuất.

Một số doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao đang đầu tư sâu chế biến gỗ và chế biến nông sản xuất khẩu tại KCN như: Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hồng Ngọc, Công ty TNHH gỗ ép Anh Bình, Công ty TNHH Việt Nam MISAKI... Tổng số lao động làm việc tại KCN hiện có 775 người, chủ yếu là lao động địa phương. 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu tại KCN đạt hơn 350 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu khoảng 5,5 triệu USD.

Ông La Đình Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng và dịch vụ KCN tỉnh (thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh) cho biết: Hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Thanh Bình đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư các dự án công nghiệp. Ban Quản lý các KCN tỉnh đang tích cực xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng KCN mới để sớm có quỹ đất thu hút các dự án.

Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, có tính đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Kạn trong giai đoạn tới. Ngoài việc tiếp tục mở rộng, triển khai Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Thanh Bình giai đoạn II, tỉnh còn chú trọng phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương.

Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Kạn sẽ phát triển 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích 903,4ha, chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn 2021 – 2030 phát triển 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích 676,4ha; tầm nhìn đến năm 2050 phát triển mở rộng cụm công nghiệp với tổng diện tích 227ha.

KCN Thanh Bình giai đoạn I có quy mô trên 73ha.

KCN Thanh Bình giai đoạn I có quy mô trên 73ha.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, địa hình đồi núi có độ dốc cao, chia cắt mạnh nên kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt ngành công nghiệp chưa phát triển. Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, thiếu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, tỉnh luôn ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, tích cực cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc... để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 cụm công nghiệp (CCN) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, gồm: CCN Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông; CCN Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn; CCN Quảng Chu, huyện Chợ Mới; CCN Vằng Mười, huyện Na Rì; CCN Nam Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn; CCN Chu Hương, huyện Ba Bể. Hiện nay, CCN Huyền Tụng đã cơ bản xây dựng xong mặt bằng, đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư. Những lĩnh vực, dự án được ưu tiên vào các CCN gồm: Chế biến nông - lâm sản, dược liệu, công nghiệp hỗ trợ... nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương. Khi đi vào hoạt động, các cụm công nghiệp này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh Bắc Kạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các khu, cụm công nghiệp được tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ là động lực để hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp phù hợp với định hướng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Đồng thời cũng là bước tiến quan trọng để thu hút các nhà đầu tư vào hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương./.

Xem thêm