Kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950-15/7/2021)

Phát huy truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Bắc Kạn đã đóng góp một phần không nhỏ làm nên chiến thắng hào hùng, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Ngày nay, những cựu TNXP ấy lại tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, khắc phục khó khăn, tích cực thi đua, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Hoàng Thị Ngần, hội viên Cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn tại tổ 16, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.
Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Hoàng Thị Ngần, Cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn tại tổ 16, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn).

Cách đây 71 năm, ngày 15/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo thành lập Ðội thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương, tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam. Khi mới thành lập, đội có 225 cán bộ, hội viên; sau đó, số hội viên ngày càng tăng để phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. TNXP Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội; khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế sau năm 1975.

Cuối năm 1950, các đơn vị TNXP của tỉnh Bắc Kạn được thành lập, làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường, đảm bảo huyết mạch giao thông thông suốt trên tuyến Quốc lộ 3. Có hơn 1.000 thanh niên con em các dân tộc tuổi đời từ 16 đến 20 đã tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP. Để động viên lực lượng TNXP làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, ngày 28/3/1951, trên đường đi công tác Bác Hồ đã đến thăm Liên phân đội TNXP 312 tại Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) đang làm nhiệm vụ sửa chữa cầu Nà Cù để bảo đảm giao thông. Bác ân cần nhắc nhở toàn thể cán bộ, đội viên phải có kế hoạch làm việc, tổ chức tốt đợt thi đua để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ và tặng Liên phân đội TNXP 312 bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Lời dạy ấy đã trở thành phương châm hành động, là động lực để các thế hệ TNXP và tuổi trẻ cả nước đóng góp sức trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 15/11/2005, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn. Đến nay, Hội đã tập hợp được gần 2.000 hội viên. Bà Đồng Thị Oanh- Chủ tịch Hội TNXP tỉnh cho biết: Hội viên cựu TNXP trên địa bàn tỉnh luôn xác định phương châm “lúc trẻ xông pha, về già mẫu mực”, bám sát các phong trào thi đua của Trung ương Hội, của tỉnh, các cấp và cụ thể hóa từng nội dung phong trào thi đua với nhiệm vụ ở mỗi địa phương. Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, hội viên qua các kỳ sinh hoạt; phối hợp làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, kịp thời giải quyết chính sách cho cựu TNXP... Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia, duy trì tốt các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới.

Một trong những phong trào được các cấp Hội cựu TNXP đẩy mạnh trong thời gian qua là phong trào thi đua “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi - vì nghĩa tình đồng đội”. Qua đó, nhiều hội viên vươn lên khắc phục khó khăn phát triển mô hình kinh tế phù hợp, tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình kinh tế VACR của ông Lường Văn Chiến- Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Phương Viên (Chợ Đồn) có thu nhập 300 triệu đồng/năm; chăn nuôi và trồng rừng của thương binh Cà Thị Phương, xã Nhạn Môn (Pác Nặm) thu nhập hơn 120 triệu/năm; trồng thuốc lá, chăn nuôi của bà Hoàng Thị Nghe- Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thượng Ân (Ngân Sơn)…

Nhiều hội viên đã phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ vươn lên khắc phục khó khăn phát triển nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Mô hình kinh tế VACR của ông Lường Văn Chiến chủ tịch Hội cựu TNXP xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn có thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm)
Mô hình kinh tế VACR hiệu quả của ông Lường Văn Chiến- Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Phương Viên (Chợ Đồn).

Thực hiện lời Bác dạy, cán bộ, hội viên đã coi tổ chức Hội là mái ấm gia đình, giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Các hội viên trong toàn tỉnh đã góp công, góp sức, quyên góp tiền của để xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Quỹ nghĩa tình đồng đội”..., giúp hội viên nghèo vượt lên hoàn cảnh, ổn định cuộc sống. Trong 5 năm (2015 - 2020), Hội đã tổ chức thăm hỏi hơn 1.000 lượt hội viên lúc ốm đau, bệnh tật với số tiền 113 triệu đồng; tổ chức phúng viếng tiễn đưa 156 hội viên qua đời. Thực hiện tốt việc tiếp nhận và trao tặng kinh phí của các cơ quan, đơn vị, cá nhân hảo tâm tài trợ, ủng hộ, giúp đỡ hội viên cựu TNXP nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, Hội đã hỗ trợ xây mới 38 nhà tình nghĩa với số tiền hơn 2 tỷ đồng; sửa chữa 22 nhà hư hỏng với số tiền hơn 200 triệu đồng; tặng 139 sổ tiết kiệm với số tiền hơn 1 tỷ đồng…

Thực hiện chế độ, chính sách đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 80 cựu TNXP được giải quyết chế độ trợ cấp một lần; 57 cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng; hầu hết cựu TNXP đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Với tinh thần “lúc trẻ xông pha, về già mẫu mực”, Hội Cựu TNXP các cấp luôn tích cực hưởng ứng, tham gia nhiều hoạt động tại địa phương, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới. Hội viên cựu TNXP trong toàn tỉnh đã gương mẫu đi đầu đóng góp tiền của, hiến đất, hiến tài sản, góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của lực lượng TNXP Việt Nam, thời gian tới, các cấp Hội Cựu TNXP trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác vì nghĩa tình đồng đội; giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh…/.

Huyền Thương

Xem thêm