Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Pác Nặm tích cực thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với vai trò tập hợp và đoàn kết sức mạnh toàn dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã có nhiều nỗ lực nhằm phát huy sức mạnh xã hội phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương. Hội Phụ nữ tham gia phong trào bằng cách phát động hội viên thực hiện tốt những phong trào như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Hội Nông dân đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doan giỏi”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”… Những phong trào thi đua trên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi đơn vị, địa phương. Đồng thời tạo nền tảng xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở mỗi gia đình, thôn bản.
Đi cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, giúp người dân giảm nghèo, huyện Pác Nặm tích cực chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho người dân. Trong năm 2012, huyện đã duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn. Hội xuân được tổ chức đầu năm với nhiều trò chơi dân gian, thể dục, thể thao thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, tạo không khí phấn khởi cho đồng bào các dân tộc. Huyện còn tổ chức các đoàn tham dự nhiều giải thể thao khác và giành được những kết quả khích lệ như: Giải Nhất cá nhân, Giải nhất đồng đội tại Giải Việt dã tỉnh; giải Ba đồng đội nữ tại giải Bóng chuyền, cầu lông tỉnh...
Nhiều hội diễn văn nghệ được tổ chức đã góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân. Đồng thời, qua đó huyện cũng khéo léo lồng ghép tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Trong năm, đã có 5.435 hộ đăng ký xây dựng Gia đình văn hoá, kết quả bình xét có 3.664 hộ đạt danh hiệu.
Với phương châm “Lấy sức dân để phục vụ cho dân”, các cấp uỷ, chính quyền trong huyện đã có nhiều biện pháp nhằm phát huy sức mạnh “tự lực tự cường” của người dân. Tại các thôn Phja Đeng, Nà Phai (xã Nghiên Loan), Phiêng Tạc (Nhạn Môn), Khau Slôm (Giáo Hiệu), Lủng Vài (Công Bằng), Nà Vài (Xuân La)… người dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động để làm đường liên thôn và xây dựng các công trình công cộng. Tại các địa phương, người dân tích cực tới nhà họp thôn và các trung tâm học tập cộng đồng để nghe tuyên truyền, phổ biến đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tiếp thu tri thức, kỹ năng cần thiết phục vụ cho lao động sản xuất.
Sự đầu tư của Nhà nước kết hợp với công sức đóng góp của dân đã tạo ra những thay đổi tích cực cho diện mạo ở nhiều vùng quê. Đến nay, 100% các xã trong huyện có đường giao thông đến trung tâm, 100% xã có trạm y tế với cơ sở vật chất khá đầy đủ, gần 70% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 70% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Đến nay tất cả các thôn, bản trong huyện đã xây dựng được hương ước, quy ước. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để xây dựng gia đình văn hoá, thôn văn hoá. Những truyền thống văn hoá tốt đẹp của mỗi dân tộc, địa phương được giữ lại và phát huy. Những hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ trong đời sống văn hoá, tâm linh của người dân. Điển hình như việc giữ gìn trang phục và những nét văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào Mông, Sán Chỉ ở các thôn vùng cao. Cùng với đó huyện còn tích cực vận động các thầy mo, thầy tào và người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ma, cưới xin. Điều này đã làm giảm gánh nặng kinh tế cho việc hiếu, hỷ tạo điều kiện cho người dân xây dựng nếp sống mới.
Có thể nói, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân toàn huyện. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Pác Nặm thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới./.
Xuân Nghiệp