Pác Nặm thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Huyện Pác Nặm đang thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Huyện Pác Nặm tích cực đầu tư cho phát triển du lịch, trọng tâm là phát huy tiềm năng thế mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Huyện Pác Nặm tích cực đầu tư cho phát triển du lịch, trọng tâm là phát huy tiềm năng thế mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo đó, ngày 17/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Pác Nặm ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển du lịch huyện Pác Nặm. Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện.

Những kết quả đạt được

Trên cơ sở bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước và lồng ghép từ các chương trình, dự án, trong giai đoạn 2021 – 2023, huyện Pác Nặm đã dành hơn 25 tỷ đồng để thực hiện xây dựng hạ tầng du lịch, hệ thống giao thông vào các khu, điểm có tiềm năng khai thác du lịch như: Đầu tư kết cấu hạ tầng khu tổ chức Lễ hội Mù Là; đầu tư xây dựng đường An Thắng – Bằng Thành kết nối với xã Mai Long, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) để giao thương hàng hóa và kết hợp du lịch; nâng cấp đường Bộc Bố - Nhạn Môn để kết hợp khai thác điểm du lịch Phia Dạ giáp ranh với tỉnh Cao Bằng; mở rộng, nâng cấp hạ tầng khu vực Khau Đấng – Thôm Bon, xã Bộc Bố để phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng ở thôn có trên 95% là dân tộc Sán Chỉ…

Khu vực tổ chức Lễ Hội Mù Là đã được huyện Pác Nặm đầu tư, chỉnh trang và thu hút lượng lớn khách du lịch đến đây hằng năm.

Khu vực tổ chức Lễ Hội Mù Là đã được huyện Pác Nặm đầu tư, chỉnh trang và thu hút lượng lớn khách du lịch đến đây hằng năm.

Huyện đã tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện mở các lớp truyền dạy, khôi phục tiềm năng văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện như: Hát lượn cọi, hát ru, hát then đàn tính của người Tày; hình thành các câu lạc bộ hát múa khèn Mông; gìn giữ nét độc đáo trong việc thêu, dệt trang phục dân tộc của người Dao, người Sán Chỉ, người Mông… Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm du lịch, các vườn hoa tại khu vực Mù Là, xã Cổ Linh; vườn mận xã Xuân La; đồi sim xã An Thắng. Huyện đã hình thành được 09 sản phẩm OCOP 3 sao là các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mua sắm phục vụ khách du lịch.

Với cách làm sáng tạo, linh hoạt, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm huyện Pác Nặm đã đón gần 15.000 lượt khách du lịch. Hiện toàn huyện có hơn 70 phòng nghỉ đáp ứng cho khoảng hơn 200 khách nghỉ đồng thời; có trên 40 quán ăn, nhà hàng có thể đáp ứng được từ 1.000 – 2.000 khách du lịch đến địa phương. Đặc biệt Lễ hội Mù Là, xã Cổ Linh, Chợ đêm Nghiên Loan những năm gần đây thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch, huyện Pác Nặm còn những hạn chế, khó khăn, đó là: Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng để phát huy được tiềm năng, lợi thế các điểm du lịch; chưa có điểm du lịch được cấp có thẩm quyền công nhận để đón khách du lịch tới tham quan; chưa có các cơ sở lưu trú loại hình homestay...

Khách du lịch đến du xuân tại Lễ Hội Mù Là năm 2023.

Khách du lịch đến du xuân tại Lễ Hội Mù Là năm 2023.

Đồng chí Đào Duy Hưng, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm chia sẻ: Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thời gian tới huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở để triển khai có hiệu quả các kế hoạch đã đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bố trí nguồn vốn hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh việc hợp tác phát triển du lịch, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong và ngoài tỉnh để phối hợp khai thác, hình thành tuyến du lịch và các sản phẩm du lịch…/.

Xem thêm