Pác Nặm: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

 

Mùa khô năm 2009-2010, được dự đoán là mùa sẽ có thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức cao. Với đặc thù là một huyện  vùng cao, Pác Nặm có tổng diện tích đất tự nhiên là 47.539,08 ha. Trong đó, đất đất lâm nghiệp chiếm 74%, đất có rừng là 18.347 ha.

Do có địa hình đồi núi phức tạp, thời tiết khô hạn kéo dài, thêm vào đó là trình độ dân trí không đồng đều, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, cuộc sống của đồng bào chủ yếu vẫn dựa vào đồi rừng tự nhiên để sống như: Phát rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép, đốt ong, đốt đồi chờ cỏ mọc để làm thức ăn cho gia súc. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ở địa phương.

Xác định công tác PCCCR, là một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ rừng nên ngay từ đầu mùa khô, huyện Pác Nặm đã nhanh chóng triển khai các phương án PCCR, nhằm bảo vệ diện tích rừng của huyện, tạo điều kiện cho rừng sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra trên địa bàn huyện.

Để thực hiện có hiệu quả trong công tác PCCCR và tích cực triển khai các công tác phòng, chống cháy rừng một cách chủ động với phương châm không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý. Huyện Pác Nặm đã tiến hành củng cố, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo (BCĐ) từ cấp huyện đến xã và 110 tổ, đội PCCCR tại chỗ ở các thôn bản trong toàn huyện. Chỉ đạo cho UBND của 10/10 xã, xây dựng các phương án PCCCR một cách cụ thể và phù hợp với địa phương mình.

Cán bộ kiểm lâm huyện Pác Nặm, hướng dẫn người dân phát quang bụi rậm, để phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô
Cán bộ kiểm lâm huyện Pác Nặm, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp PCCCR trong mùa hanh khô

Theo đó, BCĐ các xã có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức phòng tránh các nguy cơ gây cháy rừng cho các chủ rừng, người dân trước khi tổ chức đốt xử lí thảm thực bì khô trong khai thác rừng, trồng rừng, làm nương rẫy…,cần phải tạo các đường băng cản lửa và chọn thời gian hợp lí, vào những ngày không có gió mới thực hiện đốt thực bì. Trong quá trình đốt, phải cắt cử người trực đến khi ngọn lửa tắt mới được ra về. Nếu các chủ rừng hoặc người dân nào không chấp hành, cố tình thực hiện trái với quy định để xảy ra cháy rừng, sẽ bị xử lí nghiêm khắc theo pháp luật.

Trao đổi về việc triển khai các phương án PCCCR ở địa phương, ông Hoàng Thanh Kim, Chủ tịch UBND xã Xuân La cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của BCĐ cấp huyện, BCĐ của xã đã phối hợp với quần chúng nhân dân ở các thôn bản, tiến hành kiếm tra các cá nhân, tổ chức đã được Nhà nước  giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đồng thời, hướng dẫn các chủ rừng trên địa bàn xã thực hiện kí cam kết bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô. Mặt khác, tích cực phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội, vận động toàn dân tham gia PCCCR trên địa bàn xã.

Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, huyện Pác Nặm còn đặc biệt chú trọng đến công tác trực PCCCR. BCĐ cấp huyện thực hiện phân công lực lượng PCCCR từ huyện đến cấp xã, trực 24/24 giờ trong sáu tháng mùa khô, để cập nhật và thông báo cấp dự báo cháy rừng. Cùng với đó, huy động lực lượng, phương tiện kịp thời dập tắt đám cháy khi có cháy rừng xảy ra, với phương châm bốn tại chỗ đó là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Nhờ những biện pháp chủ động, tích cực và hiệu quả trên mà trong thời gian qua, số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng ở trên địa bàn được hạn chế tối đa. Từ đầu năm đến nay, chỉ xảy ra 1 vụ cháy cỏ tranh, lau lách tại xã Bộc Bố hồi trung tuần tháng 2, do người dân đốt nương làm rẫy. Tuy nhiên, ngay lập tức lực lượng kiểm lâm đã nhanh chóng phối hợp với địa phương dập tắt đám cháy kịp thời nên không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Với nhiều phương án triển khai PCCCR tại địa phương. Tin tưởng rằng, huyện Pác Nặm sẽ thực hiện tốt công tác PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có và thành quả của công tác trồng rừng của nhân dân trên địa bàn huyện trong trong mùa khô năm 2009 – 2010 này./.

Quý Đôn

Xem thêm