Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo của huyện vùng cao Pác Nặm đã vượt qua khó khăn để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Bước vào năm học mới này với sự đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cùng sự quan tâm của các cấp, ngành, công tác dạy và học ở Pác Nặm sẽ đạt những kết quả tích cực.
Hiệu quả từ mô hình trường bán trú
Huyện Pác Nặm được thành lập năm 2003, trên cơ sở tách ra từ huyện Ba Bể gồm 10 xã. Những năm đầu được thành lập cơ sở hạ tầng hết sức khó khăn đặc biệt là hệ thống trường lớp học. Hầu hết các trường đều trong tình trạng xuống cấp, lớp học tạm bợ không đủ phòng học, việc huy động học sinh đầu cấp ra lớp là cả một vấn đề vì xa trường lớp, đường xá đi lại khó khăn hầu hết học sinh đều là người dân tộc thiểu số nên tình trạng học sinh bỏ học, không ra lớp khá phổ biến. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên đều ở các địa phương khác đến công tác việc ăn ở, sinh hoạt của các thầy cô giáo cũng rất khó khăn do phải đi thuê trọ cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giảng dạy.
Phân trường Ta Đào thuộc trường Tiểu học Cao Tân (Pác Nặm) còn khó khăn về cơ sở vật chất |
Những năm về trước, ở Trường THCS Công Bằng, khi chưa có nhà bán trú dân nuôi hầu như năm nào cũng có học sinh bỏ học, đặc biệt có lớp đến một phần ba học sinh bỏ học, nhưng từ khi có nhà bán trú dân nuôi thì các em ở bán trú đều tham gia đầy đủ các buổi học, lực học của các em cũng được nâng lên rõ rệt. Tại các trường có nhà bán trú, nhà trường có lịch sinh hoạt hằng ngày, quản lý giờ giấc học tập, vệ sinh, bảo đảm an ninh trật tự, phụ đạo học sinh yếu kém. Việc nhen nhóm hình thành mô hình trường bán trú như hiện nay phải kể đến ý tưởng của các thầy cô giáo nơi đây, trước việc các em học sinh hàng ngày phải vượt cả quãng đường dài từ nhà đến trường các em đi từ trời chưa sáng rõ mặt đến lớp thì bụng đói, mệt lả không còn tâm trí chú tâm vào học tập, sau mỗi buổi lên lớp các em lại theo lối mòn về nhà, nhiều em đã không đủ kiên trì để theo đuổi việc học như thế đành bỏ dở ở nhà phụ giúp cha mẹ.
Từ những khó khăn trên, thầy cô giáo đã bàn bạc với phụ huynh học sinh tìm cánh giúp các em đến lớp đều hơn, trước mắt gia đình cùng nhà trường góp củi, góp gạo các thầy cô đóng góp một phần lương ít ỏi của mình mua thức ăn tổ chức nấu ăn cho các em ngay tại trường, sau một thời gian mọi hoạt động học tập, sinh hoạt đã có những chuyển biến tích cực. Trước những khó khăn của thầy cô giáo và học sinh trên toàn địa bàn huyện, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân đã quyết tâm triển khai thực hiện mô hình nhà bán trú tại các trường.
Tháng 6 năm 2006, Huyện ủy Pác Nặm đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nhà bán trú trong trường THCS đồng thời chỉ đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo xây dựng Ðề án xã hội hóa đầu tư mô hình nhà bán trú dân nuôi tại 8/10 xã của huyện. Huyện Pác Nặm trích một phần vốn từ các chương trình đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng nhà bán trú dân nuôi. Nhà bán trú dân nuôi ở xã Công Bằng được đưa vào sử dụng, đây có thể nói là mô hình đầu tiên trên địa bàn được các bậc phụ huynh hoan nghênh, ủng hộ, vì họ rất yên tâm khi con em ăn ở, học tập tại đây.
Thầy giáo Phùng Anh Tú, hiện nay là hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Xuân La, người đã từng công tác từ những ngày đầu thành lập huyện Pác Nặm, bản thân thầy đã công tác và giữ chức vụ ở nhiều trường trong đó có Trường PTDT bán trú THCS Công Bằng rồi sang Trường PTDT bán trú THCS Bằng Thành và PTDT bán trú THCS Xuân La cho biết: Mô hình trường PTDT bán trú được thành lập là bước ngoặt rất lớn đối với công tác giáo dục và đào tạo của huyện Pác Nặm, việc chuyển đổi mô hình không những giúp các em học sinh có điều kiện ăn ở, học tập tốt hơn mà chính từ mô hình này đã góp phần hình thành nhân cách cho các em khi được giao lưu với các bạn, được học tập và sinh hoạt theo tập thể có sự quản lý, chăm sóc của các thầy cô.
Tìm hiểu về quá trình hình thành và hoạt động của mô hình trường bán trú trên địa bàn huyện Pác Nặm chúng tôi không khỏi cảm phục trước lòng yêu nghề của các thầy cô giáo nơi đây, được biết hiện nay hầu hết các thầy cô giáo đang công tác ở Pác Nặm đặc biệt là ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa đều ở các địa phương khác, xa nhà, xa gia đình các thầy, cô giáo coi các em học sinh, bà con dân bản như người thân trong gia đình, từ việc dạy học, chăm sóc các em đến các công việc chung của trường, của địa phương đều có sự tham gia của các thầy cô. Qua tâm sự của các thầy, cô được biết ở tất cả các bậc học các thầy cô chỉ ở trường chính một hai năm rồi lại lên các phân trường, từ đây các thầy cô sẽ thay nhau luân phiên qua nhiều phân trường khác. Hiện nay, hầu hết các cấp học của huyện Pác Nặm đều có các điểm trường lẻ để giúp học sinh không còn phải đi học xa nhà, nhiều trường hiện nay có đến gần 10 điểm trường, mỗi điểm trường của cấp Tiểu học, THCS có từ 3 đến 4 thầy cô giáo. Theo lộ trình, thời gian tới huyện Pác Nặm sẽ tổ chức mô hình bán trú cho học sinh ở tất cả các điểm trường bao gồm bậc học Tiểu học và THCS.Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đầu tư về cơ sở vật chất, nhà lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, học sinh là cả một vấn đề lớn.
Ngay những ngày đầu năm học mới này, chúng tôi đã được theo các thầy, cô giáo của Trường Tiểu học Cao Tân lên với phân trường tại thôn Ta Đào, đây là phân trường gần nhất so với các phân trường khác, cách trường chính khoảng 4km nhưng để lên được đến nơi không hề đơn giản do đường xá đi lại rất khó khăn. Phân trường nằm trên mỏm núi treo leo với 1 lớp học Mầm Non, 2 lớp học ghép trình độ lớp 1 và lớp 3; lớp 2 và lớp 4 với 3 thầy cô giáo. Cô giáo Hoàng Thị Hải Yến, quê ở huyện Chợ Đồn lên đây được hơn 2 năm và gắn bó với phân trường cùng thầy giáo Chu Văn Quyết, quê ở huyện Ngân Sơn cũng đã gắn bó với phân trường năm thứ 3. Đây là thôn vùng cao 100% đồng bào là người dân tộc Mông, đời sống của bà con còn nhiều vất vả các em đến lớp cách nhà 3 đến 4km, với các em học sinh lớp 1 quả thực đi học cái chữ là cả hành trình dài. Ngoài phân trường Ta Đào, hiện nay Trường Tiểu học Cao Tân còn rất nhiều các phân trường khác ở những thôn bản vùng cao như Pù Lườn, Lủng Pạp, Nà Lài, Nặm Đăm, Mạ Khao… mà ở đó các thầy cô giáo vẫn đang ngày đêm bám trụ với sự nghiệp “trồng người”.
Đầu tư cơ sở trường lớp nâng cao chất lượng giáo dục
Bước vào năm học mới 2015-2016, huyện Pác Nặm có 457 phòng học, trong đó có 169 phòng học kiên cố, 204 phòng học bán kiên cố, 74 phòng học tạm. Tuy nhiên, nhiều trường cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đến nay hơn 90% các trường học chưa có phòng chức năng, phòng học bộ môn, ảnh hưởng nhiều đến công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Hiện nay, các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn diện tích khuôn viên chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp chưa có kinh phí để tu sửa kịp thời. Nhà công vụ cho giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu ở của giáo viên, nhất là tại các điểm trường lẻ.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Tập đoàn Bảo Việt, Trường Tiểu học Cao Tân đã được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học |
Huyện Pác Nặm đã chỉ đạo các xã tu sửa cơ sở vật chất, cấp kinh phí 50 triệu đồng/trường để sửa chữa lớp học, đồng thời tuyên truyền cho người dân về công tác xã hội hoá giáo dục. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu giáo viên cũng đang là một trong những khó khăn hiện nay của huyện Pác Nặm khi bước vào năm học mới này. Theo báo cáo của ngành giáo dục huyện Pác Nặm vào đầu năm học mới này toàn huyện còn thiếu hơn 150 giáo viên ở các cấp học, huyện đã có chủ trương hợp đồng đủ số lượng giáo viên đảm bảo cho các trường.
Đến nay, huyện đã có 8 trường đang thực hiện mô hình trường bán trú, với 924 học sinh (02 trường PTDT bán trú Tiểu học, 06 trường PTDT bán trú THCS), một số trường đã hoạt động theo mô hình này nhưng chưa chuyển đổi tên gọi, một khó khăn nữa khi năm học 2015-2016 này huyện Pác Nặm đã phổ cập xong đề án giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, theo quy định mỗi lớp học Mầm non chỉ có duy nhất một giáo viên nên việc tổ chức cho các em ăn bữa trưa tại trường với một cô giáo đảm trách là rất vất vả chưa kể việc tổ chức cho các cháu ăn trưa tại các điểm trường lẻ. Đồng chí Vi Duy Tuyến- Phó Bí thư Huyện uỷ Pác Nặm cho biết: Bước vào năm học mới này, huyện Pác Nặm đã chỉ đạo phòng giáo dục, các phòng chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương tập trung chăm lo cho công tác giáo dục, huy động các nguồn lực hỗ trợ sửa chữa phòng, lớp học đảm bảo tốt nhất các điều kiện để thầy cô giáo và học sinh yên tâm dạy học. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tập trung ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ cho ngành giáo dục.
Trong giai đoạn 2010- 2015, ngành giáo dục huyện Pác Nặm đã được thụ hưởng một số chương trình, dự án như Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, Chương trình dự án 135 và các chương trình đảm bảo chất lượng trường học, Dự án VNEN, các chương trình, dự án này đã đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng cơ bản cơ sở vật chất trường, lớp học trên địa bàn huyện. Đối với mô hình trường bán trú, hiện nay huyện Pác Nặm đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT về Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường phổ thông dân tộc bán trú và Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. đáp ứng nhu cầu tối thiểu về chỗ ăn, chỗ ở cho học sinh. Đồng thời, chỉ đạo trường Tiểu học và trường THCS trên địa bàn huyện xây dựng Đề án chuyển đổi loại hình trường thành Trường phổ thông dân tộc bán trú trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án. Bên cạnh đó, những năm qua với sự quan tâm của các cấp ngành, các đơn vị, đặc biệt là những tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư hỗ trợ cho huyện Pác Nặm như Tập đoàn Bảo Việt sau hơn 5 năm đã đầu tư cho huyện Pác Nặm gần 50 tỷ đồng. Năm học mới này, có hai trường là Trường Tiểu học Cao Tân và Trường Mầm non Bộc Bố được Tập đoàn Bảo Việt đầu tư xây dựng trường chuẩn, chuẩn bị đưa vào sử dụng góp phần quan trọng trong công tác dạy và học của địa phương.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tập đoàn kinh tế, các tổ chức doanh nghiệp cùng chung tay vào cuộc, công tác giáo dục của huyện Pác Nặm đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là việc hỗ trợ xây dựng trường lớp, nhà công vụ giáo viên và nhà ở bán trú của học sinh, từ đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần nâng cao trình độ dân trí thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương./.
Nguyễn Nghĩa