Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa III (nhiệm kỳ 2015 – 2020), huyện Pác Nặm tiếp tục khơi dậy tinh thần chủ động của người dân, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nông - lâm nghiệp của địa phương. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên, đời sống xã hội ở vùng nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc.
Thay đổi nhận thức, phát huy tiềm năng
Đến huyện Pác Nặm những ngày này, dọc theo con đường 258B từ huyện Ba Bể qua các xã Cao Tân, Cổ Linh, Công Bằng, Giáo Hiệu đến xã Bộc Bố, hai bên đường là màu xanh bạt ngàn của các cánh rừng lát, xoan, mỡ, keo… Một số diện tích trồng cách đây khoảng 10 năm nay đã được người dân khai thác, tập kết ở ven đường để bán cho tư thương tỉnh ngoài đến thu mua. Bình quân mỗi mét khối gỗ xoan bán được từ 3 đến 6 triệu đồng, tùy thuộc vào chất lượng và đường kính gỗ...
![]() |
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Cao Tân, Cổ Linh, Công Bằng và Giáo Hiệu đã sử dụng máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa. |
Gia đình bà Hoàng Thị Tam- thôn Nà Quạng, xã Cao Tân có gần 1ha trồng cây gỗ xoan từ những năm 2007 - 2008, nay đã xin cấp phép để bắt đầu việc khai thác. Theo kinh nghiệm của bà Tam thì trồng cây xoan lớn chậm hơn so với cây keo, mỡ nhưng giá trị tính theo đơn vị mét khối giá thị trường lại cao hơn gần gấp đôi. Những vị trí rừng trồng ở gần đường, dễ vận chuyển cây sau khai thác thì nên trồng cây xoan hoặc cây lát; những vị trí rừng ở xa hơn thì trồng cây mỡ, keo nhằm giảm chi phí vận chuyển. Trồng rừng chỉ vất vả công chăm sóc trong khoảng 3 năm đầu, những năm sau khi cây khép tán thì chỉ chờ cây lớn để khai thác. Trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với trồng lúa, trồng ngô…
![]() |
Rừng gỗ lát năm thứ hai ở thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh đang sinh trưởng và phát triển tốt do thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. |
Ở thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, toàn thôn có gần 90 hộ dân, 100% người dân trong thôn là dân tộc Mông. Sau nhiều năm phát rừng làm nương rẫy, đến nay đã có nhiều hộ tự bỏ vốn để trồng rừng, chủ yếu là trồng cây gỗ lát. Theo ông Sùng Văn Dẩu- Trưởng thôn Cốc Nghè thì cây lát tỏ ra khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở thôn. Nhiều diện tích mới trồng chỉ 2 năm mà cây đã cao hơn đầu người. Tính cả những diện tích trồng phân tán thì toàn thôn hiện có từ 4 - 5ha cây gỗ lát, xoan. Có hộ trong thôn còn tự mang giống về ươm để bán và trồng nhằm giảm chi phí.
Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên
Thống kê mới đây của huyện Pác Nặm cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, hỗ trợ người dân sản xuất là gần 110 tỷ đồng. Huyện đã tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng xã, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tiêu biểu như: Mô hình sử dụng giống lúa, ngô mới thâm canh tăng năng suất, chất lượng; mô hình sản xuất rau, mía tím, trồng cải tạo và thâm canh mận chín sớm, trồng lê, nuôi trâu, bò sinh sản, trâu, bò vỗ béo, lợn đen bản địa…
Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, đến nay huyện Pác Nặm đã đầu tư kênh mương thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho hơn 1.300ha đất sản xuất; 100% các thôn trên địa bàn huyện có đường giao thông xe máy đi được đến trung tâm thôn; 100% số thôn, bản có điện thoại di động đảm bảo thông tin liên lạc; 10/10 xã có trạm y tế phục vụ khám sức khỏe ban đầu cho nhân dân; toàn huyện có 108/118 thôn, bản có điện lưới quốc gia và tỉ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 94% tổng số hộ dân…
![]() |
Người dân xã Cao Tân khai thác gỗ xoan để bán cho thương lái ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh đến thu mua. |
Từ chỗ phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, đến nay cuộc sống của người dân vùng nông thôn đã được nâng lên, có thu nhập ổn định và ngày một tăng. Nếu như năm 2008 bình quân thu nhập đạt 11,5 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã đạt 20 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Dương Văn Quân, thôn Nà Mỵ, xã Giáo Hiệu; Ma Văn Hùng, thôn Bản Mạn, xã Bằng Thành; Nông Văn Chung, thôn Nà Vài, xã Nghiên Loan; Lý Văn Chắn, thôn Nà Mu, xã An Thắng; Nông Văn Nghêu, thôn Đuông Nưa, xã Cao Tân... Những con đường liên thôn, liên xã đã được người dân bê tông hóa, nhiều hộ đã sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh đắt tiền để phục vụ sinh hoạt mới thấy được cuộc sống người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Nỗ lực vượt khó khăn phía trước
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Pác Nặm cũng còn những khó khăn nhất định như: Địa hình phức tạp, chia cắt, một bộ phận dân cư ở và sinh sống không tập trung, phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, thông tin liên lạc… cần vốn đầu tư lớn trong khi đó nguồn vốn cũng như nguồn lực của địa phương hạn hẹp.
So với nhiều năm trước đây, môi trường nông thôn của Pác Nặm đang bị suy giảm, ô nhiễm, xói mòn sạt lở đất sản xuất nông nghiệp, thiên tai mưa lũ thường xuyên xảy ra; hệ thống dịch vụ kém phát triển. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở nông thôn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nông thôn chủ yếu là kinh tế hộ, kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác chưa phát triển, quy mô còn nhỏ, sản lượng hàng hóa thấp…
Để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ huyện Pác Nặm luôn xác định việc phát huy tiềm năng, lợi thế nông - lâm nghiệp ở địa phương được đặt lên hàng đầu, để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức, hành động; huy động mọi nguồn lực cho tổ chức triển khai. Xây dựng đồng bộ các đề án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động, chính sách, làm rõ định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của huyện. Tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, chỉ đạo nhân rộng theo hướng khai thác các lợi thế của địa phương../
Văn Lạ