Huyện Pác Nặm luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Năm 2021, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,5 - 4% với mục tiêu tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân.
Những năm qua, nhiều mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo và công trình hạ tầng phục vụ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Pác Nặm được đầu tư. Các chính sách giảm nghèo như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế... được tổ chức thực hiện tốt.
Giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 50,84% xuống còn 35,15%, bình quân giảm 3,5 - 4%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm đề ra. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm được thực hiện có hiệu quả. Số lao động được đào tạo nghề trung bình hằng năm đạt 493 người/năm, bằng 133%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 20,97%, vượt mục tiêu Nghị quyết. Số lao động được giải quyết việc làm mới bình quân mỗi năm 900 người/năm, bằng 360% mục tiêu Nghị quyết. Các chế độ, chính sách bảo trợ xã hội, người có công, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, bảo hiểm y tế, chính sách cho người nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định...
![]() |
Cấp phân bón phục vụ sản xuất vụ xuân 2021 cho người dân xã Cao Tân. |
Năm 2020, huyện Pác Nặm đã tập trung thực hiện tốt chính sách giảm nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Cụ thể: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hơn 860 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, tổng số tiền trên 45,1 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm với tổng doanh số cho vay trên 3,2 tỷ đồng; cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt hơn 4,6 tỷ đồng. Trong năm, huyện mở được 8 lớp đào tạo nghề cho 233 học viên, đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ được 06 lớp với 173 học viên; giải quyết việc làm cho 1.429 lao động, đạt trên 204% kế hoạch và thực hiện các chính sách giải quyết việc làm thông qua vay vốn Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở được quan tâm thực hiện.
Đến nay, huyện Pác Nặm vẫn thuộc diện huyện nghèo chung của cả nước được hưởng chính sách từ Chương trình 30a. Theo đó, nguồn vốn từ chương trình này đã được huyện triển khai có hiệu quả. Cụ thể, năm 2020 tổng số vốn phân bổ trên 45,6 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Huyện đã đầu tư mới 05 công trình gồm trường, lớp học, giao thông và thực hiện chuyển tiếp 04 công trình giao thông; nguồn vốn sự nghiệp huyện thực hiện duy tu, bảo dưỡng 10 công trình giao thông, giáo dục, nước sinh hoạt, thủy lợi.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện Pác Nặm đã phân bổ cho các xã: An Thắng, Nghiên Loan, Xuân La, Bộc Bố, Bằng Thành, Nhạn Môn, Công Bằng, Cổ Linh thực hiện 24 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản, dê, ngựa bạch sinh sản và trồng cây ăn quả... Triển khai các tiểu dự án tập trung hỗ trợ cho các xã, các hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao năng lực giám sát, truyền thông và giảm nghèo về thông tin...
Đồng chí Nguyễn Đình Điệp- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Pác Nặm hiện vẫn là một trong những huyện khó khăn của tỉnh, nhận thức của một số bộ phận người dân còn hạn chế, do đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao so với mặt bằng chung. Với sự quan tâm của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến nay công tác giảm nghèo của huyện mới đạt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm đề ra nhưng chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đề ra dưới 10%.
Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế hằng năm của huyện Pác Nặm đều tăng nhưng chưa cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Số hộ nghèo trên địa bàn còn chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu tập trung ở các thôn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chủ yếu về thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Mặt khác, số hộ nghèo mới phát sinh hằng năm lớn, chất lượng cuộc sống của nhóm hộ thoát nghèo còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng tới sản xuất của người dân, ảnh hưởng tới chỉ tiêu giảm nghèo chung của địa phương.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện, một trong những giải pháp cụ thể trong thời gian tới, huyện Pác Nặm sẽ tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa), đây là thế mạnh của địa phương với tổng đàn gia súc lớn, có các chợ buôn bán trâu, bò. Ngoài ra, người dân có thể thực hiện việc cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi, đồng thời phát huy thế mạnh, tiềm năng tự nhiên để phát triển du lịch trải nghiệm với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Năm 2021, huyện Pác Nặm đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo, tập trung thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo với mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được hưởng các hỗ trợ, miễm giảm, ưu tiên khám chữa bệnh, mua thẻ BHYT, vay vốn phát triển kinh tế. Nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ và người dân về nhiệm vụ giảm nghèo gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm sớm đưa địa phương ra khỏi diện huyện nghèo./.
Nguyễn Nghĩa