Nông dân Bắc Kạn bắt nhịp với chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản trên thị trường. Vì vậy, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Bắc Kạn đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên tiếp cận với chuyển đổi số

Cuối năm 2017, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) đầu tư xây dựng hơn 2.000m2 nhà kính trồng dưa lưới, dâu tây áp dụng công nghệ tưới, phun tự động. Nhờ áp dụng công nghệ khép kín này không chỉ giúp hạn chế đến 90% dịch bệnh mà còn tiết kiệm được 50% lượng nước tưới và chi phí nhân công lao động. Một năm trồng 02 vụ dưa lưới và 01 vụ trồng dâu tây. Năm 2022, sản phẩm dưa lưới của HTX đạt sản lượng 8 - 10 tấn quả/vụ, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt ứng dụng công nghệ nhà kính với hệ thống phun tưới nước tự động.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt ứng dụng công nghệ nhà kính với hệ thống phun tưới nước tự động.

Anh Nông Văn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt cho biết: Áp dụng công nghệ cao cho vườn dưa lưới, dâu tây có nhiều lợi ích cho người nông dân như tự động hóa được hệ thống tưới và đưa dinh dưỡng đến tận gốc cây trồng. Đồng thời, kiểm tra và phân luồng lượng nước, dinh dưỡng cho cây theo thời tiết nắng hay mưa phù hợp. Các sản phẩm của HTX giới thiệu, bán chủ yếu qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… đến nay sản phẩm của HTX sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Công nghệ số hóa không chỉ được áp dụng trong sản xuất, mà còn được các hộ sản xuất kinh doanh ứng dụng để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Điển hình như HTX Yến Dương (Ba Bể), HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, HTX Minh Anh, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn)… đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc (QR Code), đưa thông tin sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, website, Zalo, Facebook, Tiktok…để giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, giai đoạn 2021 - 2025”, Hội Nông dân phối hợp với Bưu điện tỉnh rà soát thông tin của hội viên nông dân, đặc biệt là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; rà soát, đưa thông tin các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao để đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 19.000 tài khoản tham gia; riêng năm 2022 phối hợp lựa chọn được 314 sản phẩm nông sản, OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đồng thời, các cấp Hội cũng hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng tài khoản để mua, bán hàng qua mạng, nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng thuận tiện và an toàn. Mới đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028. Đây là tiền đề để nông dân có thêm cơ hội nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, quảng bá, mua bán sản phẩm nông sản.

Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thúc đẩy hộ sản xuất nông nghiệp chủ động tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng thiết bị di động thông minh để bán hàng trên các trang thương mại điện tử nhằm giảm chi phí sản xuất, quảng bá, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng thuận lợi và an toàn./.

Xem thêm