Lam Sơn (Na Rì) vốn là xã thuần nông, người dân ở vùng quê này sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô. Nhưng vụ mùa năm nay hạn hán đã làm cho nhiều diện tích lúa, ngô bị mất trắng. Thất thu vụ mùa đã đẩy nhiều hộ dân vào cảnh thiếu đói lương thực.
Hạn hán lịch sử
Ông Nguyễn Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND xã tâm sự: đã hơn 30 năm nay chưa năm nào Lam Sơn gặp đợt hạn hán kéo dài và khốc liệt như năm nay. Ngay từ đầu tháng năm, khi người dân cấy những cây lúa đầu tiên xuống ruộng thì một số thôn đã gặp hạn hán.
10/10 thôn tập trung mọi nguồn lực để chống hạn, cán bộ nông nghiệp, đoàn thanh niên và cả lãnh đạo xã dành thời gian xuống các thôn chỉ đạo nhân dân khai thác các nguồn nước, nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thuỷ lợi, huy động máy bơm trong dân để chống hạn cứu lúa. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng nỗ lực thì hầu hết các nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu vụ mùa cũng dần dần cạn kiệt.
Riêng thôn Thanh Sơn có một hồ thuỷ lợi nhưng không đủ để nhân dân bơm nước chống hạn. Trưởng thôn Thanh Sơn, Đặng Quý Tiến cho biết: gia đình ông dùng đầu máy nổ bơm nước chống hạn cho lúa, mỗi ngày chạy máy bơm nước hết từ 5 đến 6 lít dầu, dòng dã suốt một tuần nhưng không cứu được cây lúa nào, vụ này gia đình ông Tiến cũng mất trắng 3200 m2 lúa. Ở thôn Thanh Sơn có 31 hộ cấy lúa thì cơ bản là mất trắng, chỉ có 3 hộ có ruộng ngay đầu nguồn nước thì thu được vài ghánh.
Tính đến thời điểm này thì toàn xã Lam Sơn đã thống kê được 44,7/117 héc ta lúa bị hạn nặng và không cho thu hoạch, số diện tích còn lại bị giảm năng xuất. Đối với cây ngô đã xác định được khoảng 10 héc ta bị hạn nặng dẫn đến mất trắng. Những thôn có nhiều diện tích lúa bị mất trắng nằm dọc theo trục quốc lộ 3b như: Thanh Sơn, Pò Chẹt, Xưởng Cưa, Pan Khe .v.v.
Nỗi lo của người dân
Bà Nguyễn Thị Ngưng vốn là hộ nghèo của xã Lam Sơn, bốn miệng ăn trông chờ cả vào 2000 m2 ruộng, ấy vậy mà mấy tháng chăm sóc giờ đây thu về chỉ là những cặng rơm khô đắng ngắt, trâu, bò cũng không thể ăn được. Sát gia đình bà Ngưng là hộ chị Ngọc Thị Thơi vừa mới thoát khỏi diện hộ nghèo năm ngoái, vụ này cấy được 2000 m2, nhưng 90 diện tích bị mất trắng do hạn hán, cái mà chị Thơi lo nhất là sẽ tái nghèo, trong vụ xuân tới cũng không biết lấy đâu ra giống lúa, giống ngô, phân bón tiếp tục sản xuất.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Liễu cán bộ nông nghiệp xã Lam Sơn (Na Rì) kiểm tra và đánh giá mức độ thiệt hại tại một sô diện tích lúa mùa của xã bị hạn nặng. (Ảnh Hồng Tuyến) |
Suốt một tuần nay ông Đặng Quý Tiến, trưởng thôn Thanh Sơn đi đến từng hộ để thống kê diện tích lúa bị mất trắng do hạn hán, lòng ông cũng trĩu nặng, lo cho bà con một phần, ông cũng lo cho gia đình ông rồi đây sẽ ra sao. Ông Tiến tâm sự ở thôn Thang Sơn này có 09 hộ nghèo, hơn hai chục hộ con lại đa số ở diện cận nghèo cuộc sống còn rất khó khăn. Nguồn sống của người dân trong thôn dựa chủ yếu vào trồng cây lúa, cây ngô nhưng hạn hán mất mùa thế này thì mai đây lấy gì để sống, nhất là dịp giáp hạt tới nhiều hộ sẽ tái nghèo, nhiều hộ sẽ không có lương thực để ăn.
Trước thực trạng này về phía UBND xã đã có giải pháp, về trước mắt phân công cán bộ xuống từng thôn để thống kê và xem xét mức thiệt hại cụ thể của từng hộ dân để có mức hỗ trợ họ vượt qua thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, qua cân đối nguồn vốn ở xã không còn nhiều. Hiện nay xã chỉ còn khoảng hơn 6 triệu đồng từ nguồn dự phòng, số tiền này cũng không thể giúp được dân vùng hạn hán bao nhiêu.
Thời gian tới để giúp dân khắc phục hậu quả của hạn hán vẫn phải đề nghị huyện, tỉnh và các ngành giúp đỡ. Theo ông Nguyễn Văn Mai – Phó Chủ tịch UBND xã thì thống kê chưa đầy đủ đã có hàng trăm hộ bị thất thu vụ mùa do hạn hán, nhiều hộ đã rơi vào cảnh thiếu lương thực, phải chạy ăn từng bữa.
Do vậy, trước mắt đề nghị các cấp ngành cứu trợ về lương thực để giúp các hộ đói giải quyết cái ăn trước mắt. Tiếp đó là có chính sách hỗ trợ về giống, vật tư phân bón để giúp người dân vùng hạn hán khôi phục sản xuất, nhất là vụ Đông và vụ Xuân sắp tới./.
Xuân Lâm