Nỗ lực thi công tuyến Quốc lộ 3B đoạn qua đèo Áng Toòng

Theo chân cán bộ Ban Quản lý dự án Sở Giao thông - Vận tải đi kiểm tra việc thi công tuyến Quốc lộ 3B, đoạn đèo Áng Toòng, chúng tôi mới thấy còn quá nhiều khó khăn mà Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường này phải đối mặt.

Theo chân cán bộ Ban Quản lý dự án Sở Giao thông - Vận tải đi kiểm tra việc thi công tuyến Quốc lộ 3B, đoạn đèo Áng Toòng, chúng tôi mới thấy còn quá nhiều khó khăn mà Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường này phải đối mặt.


Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B, đoạn từ xã Xuất Hóa (TX.Bắc Kạn) đến cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn) do Sở Giao thông - Vận tải quản lý đầu tư xây dựng. Công trình có chiều dài 66 km, điểm đầu từ ngã ba xã Xuất Hóa đến hết địa phận tỉnh Bắc Kạn. Đây là dự án trọng điểm lớn nhất từ trước tới nay được Trung ương đầu tư vào tỉnh Bắc Kạn với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao thương hàng hóa với quốc tế. Công trình được chia làm 24 gói thầu, tổng mức đầu tư lên tới hơn 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, nền đường rộng 7,5 m, mặt đường rộng 5,5 m rải bê tông nhựa.

Đặc điểm của dự án này là cải tạo, nâng cấp trên tuyến cũ nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là đoạn qua đèo Áng Toòng có địa hình hiểm trở, khối lượng đào đắp rất lớn nên vị trí đổ đất thải gặp nhiều khó khăn. Theo dự kiến, tới năm 2014, tuyến đường sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên lượng vốn cấp cho dự án này cũng rất hạn chế. Ông Lê Lực - Phó Ban QLDA Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Tình hình vốn rất khó khăn, cả năm 2012 dự án được cấp 70 tỷ đồng để tập trung vào thi công đoạn qua đèo Áng Toòng. Vừa qua được cấp thêm hơn 100 tỷ vốn của năm 2013, cũng chỉ tập trung cho các đơn vị thi công trên đoạn đèo này, với mục tiêu tới Tết Nguyên đán Quý Tỵ thì cơ bản xong nền đường để giao thông thuận lợi hơn.


Khó khăn nhất hiện nay là đoạn đèo thuộc địa bàn thôn Nặm Dất, xã Tân Sơn (Chợ Mới) do liên doanh Công cổ phần nông thôn 6 và Công ty TNHH Huy Hoàn thi công. Trong ánh nắng chiều đông, dọc dài toàn tuyến cỡ chừng 300 m, cheo leo trên vách đá dựng đứng là những người thợ đang khoan đá để nhồi mìn. Phía dưới là những chiếc ô tô tải đang vận chuyển đất đá đem đi để đổ. Tận dưới thung lũng vẫn còn những ngôi nhà sống trong hiểm nguy rình rập. Cán bộ giám sát thi công tại đây cho biết: Riêng đoạn này toàn đá nên phải sự dụng thuốc nổ để phá, mới đây nhà thầu vừa phải đền bù cho mấy hộ dân gần đấy do đá văng gây vỡ ngói.

ghghjh
Vận chuyển đất đá đem đi đổ.


Do đường hẹp, độ dốc cao nên việc thi công rất khó khăn, chỉ cần một xe ô tô vào để vận chuyển đất đá là đường tắc, việc sản xuất, kinh doanh và đi lại của bà con mất thời gian. Tranh thủ lúc thông tuyến, chúng tôi tiếp tục di chuyển lên đỉnh đèo, hầu hết các đơn vị thi công đã nỗ lực khẩn trương đào đắp, san gạt để lấy mặt bằng, những đoạn có taluy dương bằng đất đều đã được san xong. Nền đường được mở rộng, giao thông diễn ra khá thuận lợi. Phía chân đèo thuộc xã Côn Minh (Na Rì), nhà thầu là Công ty Cổ phần An Thịnh đang tổ chức đào đắp.


Thực tế cho thấy, tuyến Quốc lộ 3B vẫn trong tình trạng đang khai thác, việc thi công trải dài toàn tuyến, nhiều đoạn phải đào đắp đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc lưu thông của người và các loại phương tiện. Thời điểm hiện nay nếu lưu thông vào Na Rì hoặc ngược lại thì chỉ đoạn qua đèo Áng Toòng, các phương tiện và người tham gia giao thông ít nhất phải đợi 2 tiếng đồng hồ, còn nếu gặp cả 2 lần dừng để thi công thì coi mất cả buổi chờ đợi. Trong khi đó nhiều người trong khu vực lân cận đèo thì không có sự lựa  chọn nào khác là phải đi qua đoạn đường này. Hiện đang vào vụ thu hoạch dong riềng nên việc vận chuyển củ dong đi tiêu thụ, chế biến qua lại trên tuyến đường này càng thêm khó khăn. Chị Bàn Thị Na là chủ hàng cùng chiếc xe tải chở đầy củ dong đang đợi thông tuyến, cho biết: Hàng ngày tôi vận chuyển dong từ Tân Sơn vào Côn Minh nhưng không hiệu quả mấy vì thời gian chờ đợi quá lâu, nếu tình trạng này kéo dài không biết bao giờ mới thu hoạch hết dong ở Tân Sơn.

fgdfg
Phương tiện giao thông đi trên đoạn đường này thường xuyên phải chờ thông tuyến.


Không thể kể hết khó khăn của các đơn vị thi công và bà con trong khu vực này, chưa kể đến việc thi công kéo dài sẽ phát sinh trượt giá, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thì Nhà nước phải chi thêm khoản tiền vốn rất lớn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của ngành chức nănng và các nhà thầu tham gia thi công, tin rằng mục tiêu tới Tết Nguyên đán 2013 hoàn thành nền đường đoạn đèo Áng Toòng sẽ đạt, tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông qua lại thuận lợi hơn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội./.


                                                                                                                     Phan Quý

Xem thêm