Niềm vui của người trồng hồi ở Bạch Thông

Được mùa, được giá người trồng hồi các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn (Bạch Thông) phấn khởi thu hoạch. Niềm vui này giúp huyện Bạch Thông sớm hoàn thành mở rộng 200ha theo kế hoạch đề ra và tập trung thâm canh nâng cao giá trị cây hồi.

Hồi được mùa, được giá

Tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, tư thương đang cần hàng, ông Hoàng Văn Thành, thôn Nà Lẹng, xã Sỹ Bình đã huy động nhân lực trong nhà tập trung thu hoạch hồi. Hồi năm nay được mùa, giá thu mua cao (40.000 đồng/kg) khiến gia đình ông Thành và bà con trong thôn rất phấn khởi. Mới thu được nửa trong khoảng 0,7ha hồi, ông Thành đã bán được 40 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Thành chia sẻ: "Nếu biết hồi có giá trị kinh tế như mấy năm gần đây thì mấy chục năm trước không cần Nhà nước vận động hay hỗ trợ thì gia đình vẫn tự nguyện trồng. Nhiều diện tích hồi trong thôn được trồng theo các dự án phát triển rừng như: PAM, 661, 327. Ban đầu giá trị kinh tế hồi thấp nên bà con ít chăm sóc, bảo vệ nhưng vài năm nay giá hồi tăng cao, tư thương tìm mua, vị thế cây hồi thay đổi, nhiều nhà đã đầu tư thâm canh".

Nhà chị Hoàng Thị Hà cùng thôn Nà Lẹng dành 2ha đất rừng trồng hồi, trong đó 0,7ha đã cho thu hoạch. Những năm gần đây, cây hồi là nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Năm 2018, giá mỗi ki-lô-gam hồi tươi chỉ khoảng 15 - 16.000 đồng, năm nay tư thương thu mua lên đến 40.000 đồng/kg, người trồng hồi như chị Hà vô cùng phấn khởi. Chị Hà nhẩm sơ, năm nay 0,7ha hồi sẽ cho khoảng 2 tấn hoa tươi, thu về hơn 70 triệu đồng. Nguồn thu sẽ tăng gấp đôi, ba lần vào những năm tới khi 1,3ha hồi còn lại bước vào thời kỳ cho hoa.

Bí thư Đảng ủy xã Vũ Muộn Đinh Quang Trực cho biết: "Cây hồi năm nay cho nhiều hoa, giá bán cao nên bà con trong xã rất vui mừng. Người dân tăng thu mang lại những thuận lợi trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương".

 Tập trung thâm canh, nâng cao giá trị cây hồi

Trưởng thôn 1B Khau Cưởm, xã Sỹ Bình Nông Đức Diện phân tích: "Nếu 1ha trồng cây mỡ hay keo sau 6 - 8 năm thu được khoảng 80 triệu đồng rồi lại phải trồng mới, nhưng cũng diện tích ấy trồng hồi sau 8 năm đã cho thu hoạch, từ năm thứ 10 trở đi cho thu nhập hơn 100 triệu đồng và thu hoạch trong nhiều năm. Giá trị kinh tế cao như vậy nên khoảng 10 năm trở lại đây người dân trong thôn không ngừng mở rộng diện tích cây hồi. Thôn có hơn 40 gia đình thì một nửa số hộ trồng hồi, nhà ít 3.000 - 4.000m2, hộ nhiều lên đến vài héc-ta. Gia đình ông Nguyễn Duy Thuyết vụ này thu được khoảng 400 triệu đồng, những hộ khác cũng có khoản thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng nhờ cây hồi. Năm nay, với sự hỗ trợ của huyện, người dân trong thôn đã mở rộng diện tích cây hồi thêm khoảng 10ha. Nhu cầu của bà con là rất lớn nhưng quỹ đất trống không còn nên khó mở rộng diện tích. Cấp ủy, chính quyền địa phương và thôn tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc, thâm canh diện tích hồi hiện có để nâng cao giá trị kinh tế".

Theo kế hoạch của Đề án chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025, huyện Bạch Thông phát triển diện tích cây hồi thêm 200ha, nâng tổng diện tích của huyện lên 600ha. Theo đó, các hộ dân được ngân sách huyện hỗ trợ 70% kinh phí mua cây giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật. Đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành mục tiêu mở rộng diện tích trồng hồi theo Đề án với 10 vạn hồi giống đã cấp cho người dân.

Ông Lăng Văn Thụy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông thông tin: "Việc mở rộng thêm 200ha hồi theo Đề án của huyện được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi do người dân rất hào hứng với loại cây trồng này. Cơ quan chuyên môn đang phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con chăm sóc diện tích hồi mới trồng, cải tạo, thâm canh diện tích hồi hiện có nhằm phát triển cây hồi một cách bền vững và nâng cao thu nhập"./.

X.N

Xem thêm