Những vấn đề trong mở rộng sản xuất vụ đông

Với sản xuất vụ đông, tỉnh chưa xác định cây trồng chính cho toàn tỉnh, mà tùy thuộc vào điều kiện đất đai, khí hậu của mỗi địa phương, mỗi vùng tập trung định hướng, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn những loại cây thích nghi tốt để phát triển.

Với sản xuất vụ đông, tỉnh chưa xác định cây trồng chính cho toàn tỉnh, mà tùy thuộc vào điều kiện đất đai, khí hậu của mỗi địa phương, mỗi vùng tập trung định hướng, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn những loại cây thích nghi tốt để phát triển.

Người dân xã Vi Hương, Bạch Thông tập trung làm đất trồng cầy vụ đông./.
Người dân xã Vi Hương, Bạch Thông tập trung làm đất trồng cây vụ đông.


Các cây trồng chủ yếu trong vụ đông thường được các địa phương trong tỉnh đưa vào gieo trồng gồm: Khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại và ngô đông trên đất soi bãi. Tại xã Xuất Hóa (thị xã Bắc Kạn) và Quang Thuận (Bạch Thông), người dân trồng cây cà chua đem lại giá trị kinh tế cao. Cây ngô rất phù hợp để phát triển trên đồng đất Bắc Kạn, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là khung thời vụ sớm hơn các loại cây trồng khác, buộc phải trồng trong khoảng từ 20/9 đến trước 5/10. Thời gian này lúa mùa vẫn chưa thu hoạch, do vậy nếu phát triển cây ngô đông người dân chỉ có thể đưa vào trồng trên một số diện tích đất lúa mùa sớm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết trong vụ đông có nhiều bất lợi như: Khí hậu lạnh, thường có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nguồn nước tưới khó khăn, ảnh hưởng lớn đến phát triển cây vụ đông.


Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là ưu tiên và khuyến khích người dân phát triển rau, đậu các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng đời sống hàng ngày của người dân địa phương như: khoai tây, dưa chuột, bí xanh, su hào, rau cải các loại, đậu xanh, đậu cô ve, cà chua... Tập trung sản xuất theo hướng thâm canh, tăng năng xuất chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới hoàn thiện quy hoạch rau an toàn. Tùy theo những loại cây trồng, bàn con nông dân chọn khung thời vụ cho phù hợp, riêng cây khoai tây khung thời vụ tốt nhất là từ 25/10 đến 15/11.


Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, vụ đông năm 2012, toàn tỉnh trồng được khoảng trên 3 nghìn héc ta, tập trung ở các huyện Chợ Mới, Na Rì, Chợ Đồn, thị xã và Ba Bể. Trong đó, rau xanh các loại trồng được 900 héc ta với sản lượng rau ước đạt gần 11 nghìn tấn. Địa phương có diện tích trồng rau xanh lớn trong vụ đông là huyện Chợ Đồn 230 héc ta, huyện Chợ Mới  160 héc ta, huyện Ba Bể 120 héc ta. Với cây khoai tây, toàn tỉnh trồng được 130 héc ta, sản lượng ước đạt hơn 1 nghìn tấn, tập trung nhiều ở hai huyện Ba Bể, Chợ Mới. Như vậy, diện tích trồng cây vụ đông hàng năm chỉ dao động từ 2,8 nghìn đến 3,3 nghìn héc ta, bằng 1/5 diện tích vụ mùa, còn hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp vẫn bỏ trống trong vụ đông.


Đồng chí La Thị Huyền- Phó trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để khai thác tốt hơn tiềm năng kinh tế trong vụ đông, Chi cục đang nghiên cứu để tham mưu với tỉnh chỉ ngay từ vụ xuân, vụ mùa cần đưa một số giống lúa thuần ngắn ngày có năng suất cao, phù hợp với địa phương vào gieo cấy. Tính toán khi thu hoạch xong lúa mùa vừa kịp khung thời vụ phát triển cây ngô đông, đỗ tương đông. Bên cạnh đó, phối hợp với một số dự án đánh giá mô hình trồng cây khoai tây trên đất ruộng với phương pháp làm đất tối thiểu. Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang triển khai mô hình này, bước đầu đem lại hiệu quả khá tốt.  Cụ thể khi trồng cây khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu sẽ giảm rất nhiều công lao động- từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch; tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa mùa làm vật liệu ủ giữ ẩm cho cây khoai tây.


Về phát triển vùng rau an toàn, hiện nay trên địa bàn tỉnh người dân làm rau xanh vẫn theo kiểu manh mún, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác còn hạn chế, nhất là sản xuất chưa gắn với thị trường nên năng suất, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Người nông dân vẫn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên, canh tác mùa vụ mà không có những giải pháp để vào vụ sớm, kéo dài thời gian thu hoạch.

Như vậy, với hướng ưu tiên khuyến khích phát triển vùng rau an toàn thì mỗi địa phương cần tính toán quy hoạch phát triển vùng rau xanh phù hợp, nhất là ngay từ đầu năm phải có định hướng trong phát triển vụ đông. Các  vùng rau xanh cần bám sát thị trường tiêu thụ lớn như thị trấn, thị xã... tạo đầu ra thu nhập ổn định cho người trồng rau xanh. Như vậy mới khuyến khích hình thành vùng chuyên canh rau xanh an toàn và khai thác tốt tiềm năng kinh tế trong vụ đông./.


Xuân Lâm

Xem thêm