Những trường hợp nào, vụ việc trợ giúp pháp lý bị từ chối thụ lý hoặc được thụ lý ngay?

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thụ lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng quy định là có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 và phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

- Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

- Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

- Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

Khi vụ việc thuộc trường hợp từ chối thụ lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu.

* Những trường hợp nào vụ việc trợ giúp pháp lý sẽ được thụ lý ngay?

Các trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý sẽ được thụ lý ngay được quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 05 ngày làm việc;

- Ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc;

- Các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Trợ giúp pháp lý mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;

- Các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý do người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.

* Vụ việc trợ giúp pháp lý không tiếp tục thực hiện khi thuộc các trường hợp nào?

Theo quy định tại Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý, vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp phải từ chối theo quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể:

+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng quy định là vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý;

+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

+ Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

+ Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

- Người được trợ giúp pháp lý thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý (xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý; đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý).

- Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Trường hợp không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý./.

Xem thêm