Những "Cây bút tuổi hồng" của Bắc Kạn

“Cây bút tuổi hồng” là Giải thưởng Văn học chính thức hàng năm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, vinh danh những tác phẩm văn học của các cây bút học trò từ 7 - 16 tuổi. Tỉnh ta đã có những gương mặt tiêu biểu được nhận giải thưởng này.

“Cây bút tuổi hồng” là Giải thưởng Văn học chính thức hàng năm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, vinh danh những tác phẩm văn học của các cây bút học trò từ 7 - 16 tuổi. Tỉnh ta đã có những gương mặt tiêu biểu được nhận giải thưởng này.

Ma Dương Thảo Ly (thôn Làng Điền xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới) là gương mặt đầu tiên của Bắc Kạn đến với “Cây bút tuổi hồng”. Sinh năm 1995, Thảo Ly đã 03 năm liền (2009, 2010, 2011) được lựa chọn tham dự Trại sáng tác thiếu nhi hè do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức. Chia sẻ nhiều hơn về điều này, em mỉm cười: Đến nay em vẫn luôn nhớ những mùa hè vui vẻ, bổ ích được cùng với các bạn thiếu niên ở các huyện tham gia Trại sáng tác. Có niềm yêu thích văn học từ nhỏ nên những ý tưởng sáng tác của em đều xuất phát từ tình cảm gia đình, những điều bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào năm 2011, năm đó em học lớp 10, bài thơ "Cơn mưa đầu mùa" do em sáng tác đã vinh dự được nhận giải C của Giải thưởng "Cây bút tuổi hồng" lần 1.

Mai Dương Thảo Ly đã đạt giải
Mai Dương Thảo Ly đã đạt giải "Cây bút tuổi hồng" mùa đầu tiên

Là một trong nhiều những bài thơ có chất lượng tốt của Thảo Ly, "Cơn mưa đầu mùa" vẽ nên một bức tranh sinh động, nhộn nhịp và tràn đầy tình cảm gia đình:

“… Đàn gà kêu chiếp chiếp
Bầy vịt kêu trong ao
Chim bố mẹ ướt cánh
Chim con kêu nhao nhao

Mưa rơi hoài rơi mãi
Nước lênh láng khắp sân
Bước chân mẹ càng gần
Vai gánh mưa mùa hạ”.

Hiện nay, Thảo Ly đã tốt nghiệp đại học, đang là phóng viên của một tòa soạn báo ở Hà Nội. Ngoài công việc chuyên môn, Ly vẫn tiếp tục sáng tác thơ như một lời tri ân gửi đến gia đình, thầy cô và cả những năm tháng tuổi thơ của chính mình.

Còn với Hoàng Thị Hải Yến, cô gái dân tộc Nùng ở xã Xuân Dương (Na Rì), Giải thưởng "Cây bút tuổi hồng" luôn là niềm tự hào mỗi khi nhắc đến. “Em có 2 lần đạt giải C Giải thưởng "Cây bút tuổi hồng" với các bài thơ: "Chú bé chăn trâu trên đồng cỏ hoàng hôn", "Chút quê hương"... Chỉ nghe tên bài thơ mọi người đã có thể thấy được tình yêu quê hương, đất nước và những điều giản dị xung quanh em. Khi biết mình được nhận giải thưởng của Trung ương, em khá bất ngờ, vì không nghĩ những bài thơ mình sáng tác một cách tự nhiên, câu chữ cũng mộc mạc lại có thể giành được giải thưởng. Giải thưởng là động lực để em tiếp tục sáng tác thêm những tác phẩm hay hơn, sâu sắc hơn. Đó cũng là một sự ghi nhận những cố gắng của em trong những lần tham dự trại sáng tác”. Hải Yến chia sẻ.

Hoàng Thị Hải Yến hiện đã là sinh viên năm cuối chuyên ngành Báo Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hoàng Thị Hải Yến hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành Báo Truyền hình - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hải Yến đến với VHNT từ những năm học cấp 2, cũng như nhiều bạn nhỏ khác, các sáng tác của Yến thường bắt nguồn từ những điều giản dị, gần gũi trong cuộc sống. Trong đó, em thường hướng nhiều đến tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, với những sáng tác về cha mẹ, tình chị em… Đặc biệt hơn, vì là một người con sinh ra từ miền núi, nên chất liệu văn hóa dân tộc vùng cao cũng là nguồn cảm hứng cho ra đời những vần thơ tràn đầy cảm xúc và bình yên:


“…Vương trên vai áo mẹ
Đọng lại trên trán ba
Sa vào câu chuyện cổ
Lời bà kể ấu thơ

Không nhìn thấy
Chẳng lắng nghe
Chút quê hương lặng lẽ
Tới trái tim mỗi người.”
(
Chút quê hương)
Hay:
“… Dáng người nhỏ nhắn, chân bước nhanh
Trong túi áo đựng đầy hương hoa cỏ
Trên mái tóc vương đầy nắng ban trưa
Ánh mắt trong sáng, miệng huýt sáo vang
Nào ai biết khó nhọc chiều nắng chang chang…”

(Chú bé chăn trâu trên đồng cỏ hoàng hôn)


Yến cởi mở, chia sẻ thêm về tình yêu với VHNT: Cái duyên đến với VHNT cũng chính là một lí do để em thi vào Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vì viết báo ngoài đảm bảo chính xác, khách quan cũng cần câu văn có ý, có tứ, có ý nghĩa sâu sắc như sáng tác một bài thơ. Vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm làm thơ vào trong viết báo sẽ giúp cho các sản phẩm báo chí của em độc đáo, mới lạ và mềm mại hơn. Hiện nay, cuộc sống sinh viên năm cuối bận rộn em ít sáng tác hơn, thời gian tới sau khi tốt nghiệp em sẽ tiếp tục với niềm đam mê của mình.

Ngoài hai gương mặt kể trên, các em Tiêu Thị Thu Hương (Chợ Đồn) và Ngôn Thị Luyên (Ba Bể) cũng đã nhận được Giải thưởng “Cây bút tuổi hồng”. Đây đều là những gương mặt trẻ tiêu biểu, thế hệ tiềm năng cho VHNT tỉnh ta.


Bích Phượng

Xem thêm