Tại huyện Ba Bể, phong trào phụ nữ vượt khó tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo đang được các cấp Hội Phụ nữ phát động tích cực. Qua đó đã xuất hiện một số gương hội viên điển hình, vươn lên xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
![]() |
Năm 2012, chị Hà Thị Lộc vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư, kinh doanh dịch vụ xay sát. |
Chúng tôi đã tìm đến gia đình chị Hà Thị Lộc, hội viên phụ nữ thôn Nà Đúc 1, xã Địa Linh. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do vậy từ nhỏ chị đã học cách tự lập và phụ giúp bố mẹ trong việc gia đình, đồng áng. Đến khi xây dựng gia đình, có 4 mặt con nhưng hạnh phúc tan vỡ. Vợ chồng chia tay, chị phải một mình nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học…
Không cam chịu khổ cực và đói nghèo, nhìn 4 đứa con đều ngoan ngoãn, học khá, chị đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Ban đầu, chị cải tạo đất ruộng và đất rừng, đồng thời tích cực đầu tư chăm sóc. Tích cóp được một chút vốn liếng, chị mua lợn, gà về nuôi. Sau khi có vốn, chị tăng dần quy mô việc nuôi lợn thịt. Không chỉ vậy, chị còn mở một xưởng nhỏ, thuê người về sản xuất gạch ximăng; vay thêm vốn để đầu tư mua máy xay sát phục vụ gia đình và bà con trong khu vực… Chị Lộc cho biết, thu nhập từ chăn nuôi và dịch vụ đã giúp kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định, các con được ăn học đầy đủ. Nghị lực vươn lên của chị Hà Thị Lộc khiến nhiều người nể phục.
Cùng ở xã Địa Linh, chị Trần Thị Tâm cũng từng trải qua hoàn cảnh khó khăn. Hai vợ chồng ra ở riêng sớm, long đong lận đận tìm việc làm để sinh sống. Cuối cùng thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, hai vợ chồng đầu tư nuôi lợn và mở cửa hàng tạp hóa, làm đầu mối thu mua nông sản. Đến nay, hộ chị Tâm không chỉ thoát nghèo mà đã có cuộc sống khấm khá.
Bươn chải nhiều năm trong nghèo khó, chị Lý Thị Thắm ở thôn Pác Nghè (xã Địa Linh) cũng tìm ra cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp từ chăn nuôi. Hằng năm chị tích cực tham gia tập huấn, áp dụng nhiều cách làm khoa học vào chăn nuôi, cụ thể như: Cách nuôi lợn theo hướng công nghiệp, nuôi lợn bằng cám khô, lắp hệ thống van tự động cho lợn tự uống nước, xây dựng chuồng trại đúng quy cách. Hiện nay, gia đình chị đã thoát nghèo và trở thành hộ có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, được nhiều hội viên phụ nữ đến tham khảo học tập…
![]() |
Mô hình nuôi lợn theo của gia đình chị Thắm. |
Còn ở xã Bành Trạch, cũng có một số gương mặt phụ nữ tiêu biểu vượt khó, phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng như chị Ma Thị Bày ở thôn Bản Hon; chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Nà Lần; chị Bùi Thị Lan với mô hình chăn nuôi lợn… Những hộ này mỗi năm đều có nguồn thu nhập vài chục triệu đồng. Những mô hình kinh tế hiệu quả do phụ nữ làm chủ hộ như trên đã góp phần khẳng định thêm vai trò của người phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tùng Vân