HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ:

Những điều kiện để tham gia trợ giúp pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Văn phòng luật sư muốn đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý thì cần phải đáp ứng những điều kiện sau:

31. Văn phòng luật sư muốn đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý thì cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

Khoản 2, Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về điều kiện ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

Điều 14. Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý

2. Căn cứ yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện sau đây:

a) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;

b) Là tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;

c) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;

d) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.”

Khoản 1, Điều 15 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về điều kiện đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý:

Điều 15. Đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình được đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

a) Tổ chức hành nghề luật sư có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 của Luật này;

b) Tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 của Luật này và có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức.”

32. Thủ tục đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào?

Thủ tục đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý tại Điều 19 Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý, như sau:

- Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính, fax, hình thức điện tử 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động.

- Hồ sơ đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm:

+ Đơn đề nghị tham gia trợ giúp pháp lý theo Mẫu TP-TGPL-01 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP;

+ Danh sách luật sư, tư vấn viên pháp luật đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP;

+ Bản sao thẻ luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật.

- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Mẫu TP-TGPL-03ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP cho tổ chức đăng ký tham gia đủ điều kiện và thông báo cho Trung tâm để phối hợp thực hiện. Trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý được bắt đầu kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp công bố danh sách tổ chức đăng ký tham gia, người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 17 của Luật Trợ giúp pháp lý.

Trường hợp thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý phải có văn bản thông báo để Sở Tư pháp xem xét, cập nhật danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương và thông báo về Bộ Tư pháp.

- Việc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý không phải nộp lệ phí.

33. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý phải chấm dứt việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong những trường hợp nào?

Khoản 2 Điều 16 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về các trường hợp chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý:

“Điều 16. Chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

2. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đáp ứng một trong các điều kiện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này;

b) Tự chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý sau khi đã thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp nơi đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý;

c) Không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;

d) Thực hiện trợ giúp pháp lý gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.”

34. Khi chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý có trách nhiệm gì?

Khoản 3 Điều 16 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định trách nhiệm của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý khi chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý:

“Điều 16. Chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

3. Khi chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp về việc chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý và chuyển hồ sơ vụ việc chưa hoàn thành đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp giao để tiếp tục thực hiện.”.

35. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có những quyền và nghĩa vụ gì?

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, như sau:

- Quyền và nghĩa vụ chung của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý gồm có:

+ Thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý;

+ Bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, truyền thông về trợ giúp pháp lý;

+ Giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật Trợ giúp pháp lý;

+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.

-Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước: Có quyền và nghĩa vụ chung của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ủy quyền hoặc yêu cầu.

- Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý: Có quyền và nghĩa vụ chung của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; được nhận thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Chính phủ và quyền và nghĩa vụ khác theo hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý: Có quyền và nghĩa vụ chung của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý theo nội dung đăng ký.

36. Trách nhiệm phối hợp xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào?

Điều 34 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về phối hợp xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

Điều 34. Phối hợp xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý

1. Trường hợp cần xác minh các tình tiết, sự kiện có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý ở địa phương khác thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thụ lý vụ việc yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nơi cần xác minh phối hợp thực hiện. Yêu cầu xác minh phải bằng văn bản, nêu rõ nội dung cần xác minh và thời hạn trả lời.

2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được yêu cầu xác minh có trách nhiệm thực hiện xác minh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu và gửi kết quả bằng văn bản kèm theo giấy tờ, tài liệu có liên quan cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý yêu cầu; trường hợp không thể xác minh được nội dung theo yêu cầu thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Văn bản yêu cầu xác minh, văn bản thông báo kết quả thực hiện và giấy tờ, tài liệu có liên quan phải được lưu trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.”

37. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được kiến nghị bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề gì?

Khoản 1 Điều 36 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về kiến nghị trong hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:

“Điều 36. Kiến nghị trong hoạt động trợ giúp pháp lý

1. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.”

(Còn nữa)

Xem thêm