Những câu chuyện sản phẩm OCOP Chợ Đồn

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Năm 2022, huyện Chợ Đồn có thêm 10 sản phẩm mới được công nhận OCOP cấp tỉnh. Kết quả này là sự nỗ lực của mỗi tập thể, cá nhân, trong đó phải kể đến những người đã mang đến câu chuyện sản phẩm của họ.

Câu chuyện về chiếc kẹo lạc

Kẹo Lạc An của HTX An Bình vừa được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Kẹo Lạc An của HTX An Bình vừa được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Chị Triệu Thị Thủy, Giám đốc HTX An Bình ở thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái có sản phẩm kẹo lạc vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Món ăn tưởng chừng như dân dã này lại chiếm được cảm tình của không ít người nhờ hương vị đậm đà, bùi ngậy. Chia sẻ về câu chuyện của mình, chị Thủy cho hay: “Mỗi lần về quê chồng ở Thái Bình, thấy bố mẹ chồng tự tay làm món kẹo dồi, kẹo lạc để tiếp đãi bạn bè, người thân, tôi đã ấn tượng bởi hương vị của các món ăn này. Món quà quê đơn giản mà sâu lắng tình cảm gia đình được bố mẹ chồng duy trì, sau này ông bà già yếu, không còn người làm, tôi thực sự thấy tiếc". Từ câu chuyện đó, chị Thủy nghĩ tại sao không thử làm để bán ở địa phương mình, trong khi mọi người phải mua kẹo lạc ở các tỉnh miền xuôi mang lên.

Sản phẩm kẹo lạc đã được trưng bày và bán tại các gian hàng OCOP.

Sản phẩm kẹo lạc đã được trưng bày và bán tại các gian hàng OCOP.

Năm 2021, chị Thủy bắt tay vào làm kẹo lạc. Những mẻ kẹo đầu tiên chưa như ý, một số bị hỏng phải bỏ đi. Sau mỗi lần như vậy, chị đã rút ra kinh nghiệm, biết điều tiết lửa, thời gian, tỷ lệ ngọt nhạt để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Sản phẩm kẹo lạc với công thức là đường, lạc, mạch nha hòa quyện với nhau tạo nên vị ngọt thanh, không ngọt đậm đường như một số loại kẹo lạc khác.

Được sự động viên, hỗ trợ của các ban, ngành địa phương, năm 2022 chị Thủy mạnh dạn đăng ký tham gia Chương trình OCOP và sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Đây thực sự là niềm vui mà HTX An Bình mong đợi.

Chị Thủy cho biết: Hiện sản phẩm kẹo lạc vẫn chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn huyện Chợ Đồn, đã có một vài khách hàng ở Tuyên Quang, Cao Bằng đặt hàng nhưng công suất chưa đủ đáp ứng. Năm 2022, doanh thu của HTX và một số sản phẩm nông nghiệp khoảng 1 tỷ đồng. Sắp tới HTX sẽ xin hỗ trợ của Nhà nước, mở rộng nhà xưởng, chuyển đổi phương thức sản xuất thủ công sang công nghệ tiên tiến, đồng thời liên kết với một số hộ dân triển khai thử nghiệm mô hình trồng lạc để làm vùng nguyên liệu tại chỗ.

Sản phẩm tinh bột nghệ Thơm Phúc

Cũng là sản phẩm OCOP, nhưng câu chuyện tinh bột nghệ của Cơ sở tinh bột nghệ Thơm Phúc của chị Ma Thị Thơm ở tổ 1, thị trấn Bằng Lũng lại xuất phát từ hoàn cảnh khác. Kể về sản phẩm này, chị Ma Thị Thơm, chủ cơ sở chia sẻ: “Cách đây 6 năm, bà ngoại tôi thường bị đau dạ dày, dùng nhiều loại thuốc đắt tiền mà không khỏi. Bà đã tự làm tinh bột nghệ về chữa bệnh, sau một thời gian sử dụng, căn bệnh dạ dày của bà thuyên giảm. Thấy vậy, tôi tự mua nguyên liệu về phơi, nghiền, lọc và bán cho người dân xung quanh dùng”.

Nhu cầu sử dụng sản phẩm này ngày một nhiều, chị Thơm đã đầu tư mua máy sấy lạnh và các thiết bị trị giá gần 100 triệu đồng để sản xuất. Đến năm 2022 chị đã thu mua và tiêu thụ khoảng 40 tấn củ, sản phẩm bán ra phần lớn thông qua các kênh mạng xã hội. Theo chị Thơm, để làm ra tinh bột nghệ nguyên chất phải chọn lọc những củ nghệ tươi, to, già mới bảo đảm hàm lượng tinh nghệ cao nhất. Hiện cơ sở đóng gói sản phẩm theo lọ với trọng lượng 200g, 300g và 500g để khách hàng có nhiều sự lựa chọn.

Sản xuất tinh bột nghệ tại Cơ sở tinh bột nghệ Thơm Phúc, thị trấn Bằng Lũng.

Sản xuất tinh bột nghệ tại Cơ sở tinh bột nghệ Thơm Phúc, thị trấn Bằng Lũng.

Tới đây, Cơ sở tính toán sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại những nơi có thổ nhưỡng phù hợp với cây nghệ, liên kết thu mua theo vùng. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện mẫu mã sản phẩm để sản phẩm tinh bột nghệ Thơm Phúc có thể cạnh tranh trên thị trường.

Chị Thơm, chủ cơ sở tinh bột nghệ Thơm Phúc cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện về mẫu mã sản phẩm.

Chị Thơm, chủ cơ sở tinh bột nghệ Thơm Phúc cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện về mẫu mã sản phẩm.

Ngoài 02 sản phẩm trên, trong năm 2022, huyện Chợ Đồn còn có nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng của vùng đất ATK như: Rượu men lá Tô Hoài; rượu men lá Sơn Phúc ngâm gỗ sồi ở Bằng Phúc; trà hoa vàng của HTX nông lâm Nghĩa Tá; giò lụa Thanh Hiền (xã Lương Bằng); phở khô, măng khô của HTX Hồng Luân… Ngoài ra còn có 3 sản phẩm OCOP được nâng hạng lên 4 sao là: Chè Shan tuyết của HTX Đồng Thắng; rượu men lá của HTX rượu men lá Thanh Tâm; rượu men lá Bằng Phúc. Mỗi sản phẩm đều mang nét riêng biệt nhưng chứa đựng trong đó sự tâm huyết, kỳ vọng của những người sản xuất, đặt niềm tin về sự phát triển bền vững mà sản phẩm họ đã và đang gây dựng./.

cơ sở

Xem thêm