Nhọc nhằn Khuổi Kẹn

Không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại... nhiều năm nay, cuộc sống của bà con thôn Khuổi Kẹn, xã Bản Thi (Chợ Đồn) gần như tách biệt với thế giới xung quanh. 17 hộ gia đình của thôn sống trong cảnh nghèo đói triền miên, kèm theo đó là những hệ lụy buồn.

Không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại... nhiều năm nay, cuộc sống của bà con thôn Khuổi Kẹn, xã Bản Thi (Chợ Đồn) gần như tách biệt với thế giới xung quanh. 17 hộ gia đình của thôn sống trong cảnh nghèo đói triền miên, kèm theo đó là những hệ lụy buồn.

Thôn Khuổi Kẹn gồm các hộ dân nằm cheo leo, rải rác trên các triền núi
Thôn Khuổi Kẹn gồm các hộ dân nằm cheo leo, rải rác trên các triền núi

Khuổi Kẹn cách trung tâm xã Bản Thi khoảng 7km, trong đó ba cây số đầu đi được bằng xe máy, 4km còn lại là đường mòn. Nhiều đoạn phải dắt xe lội qua suối, lúc lại leo lên những dốc đá trơn trượt. Đến khu vực trại giống Kéo Nàng (thôn Kéo Nàng) thì không thể dắt xe được nữa do đường đi quá dốc và trơn trượt. Để xe máy lại ven đường, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đồng chí Trần thị Quyến- Phó Bí thư Đoàn xã cho biết: Những hôm trời nắng đường còn dễ đi, trời mưa đường trơn trượt, người dân muốn ra được trung tâm xã phải đi bộ 5-6 giờ đồng hồ mới tới nơi. Đã có nhiều trường hợp người dân xuống xã hay học sinh đi học bị ngã gẫy tay, rất nguy hiểm. Cách đây mấy năm, có đoàn làm phim lưu động lên đây chiếu phục vụ bà con. Người dân trong thôn phải xuống xã mang vác dụng cụ giúp anh em mới có thể lên đến thôn được”.  

Đặt chân đến Khuổi Kẹn lúc 12 giờ 30 phút. Giữa mây mù chưa tan hết, những ngôi nhà mái lá khép mình quanh các thửa ruộng ngô đã thu hoạch xong. Nhà anh trưởng thôn đang ăn trưa. Thức ăn chỉ có bát canh rau rừng và mấy miếng măng khô xào không dầu mỡ, nồi “ngô độn cơm” đã sắp hết mà 2 đứa trẻ vẫn còn đói.

Bên cạnh bếp lửa, anh Triệu Đức Ngân, trưởng thôn cho biết: Thôn có 17 hộ, trong đó gồm 15 hộ đồng bào Dao, 1 hộ người Mông, 1 hộ người Kinh, 100% đều thuộc diện hộ nghèo. Không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Các hộ dân ở đây chủ yếu sống tự cung tự cấp, nuôi được con gà, con lợn hay trồng được mớ rau tất cả chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt ngay tại gia đình. Đất nông nghiệp ở Khuổi Kẹn không có, người dân phát nương làm rẫy trồng ngô. Một số ít hộ trồng thêm lúa nương để độn với ngô. Nhiều hộ chủ yếu ăn ngô thay cơm. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, cây ngô sau nhiều năm gieo trồng nên đất đai đã bạc màu nên năng suất. Việc thiếu đói 3 - 4 tháng là chuyện bình thường ở đây. Khi ấy, người dân lên rừng đào củ mài, củ khoai, củ sắn về ăn qua ngày. Tình trạng nghèo đói lại càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Gương mặt ngơ ngác của lũ trẻ khi có người lạ vào thôn.
Gương mặt ngơ ngác của lũ trẻ khi có người lạ vào thôn.

Cả thôn hiện nay có 22 con trâu lớn nhỏ. Chủ yếu dùng để kéo gỗ. Tuy nhiên, hàng năm số lượng đàn trâu giảm dần do không có bãi chăn thả và chết do quá rét. Trời lạnh, lại không có mưa lên cây rừng cũng ít đi. Lời tâm sự đến nghẹn ngào của chị Phùng Thị Dẫu khiến chúng tôi không khỏi xót xa: “Mùa hè có thiếu đói thì lên rừng đào củ mài, củ sắn về ăn chứ mùa đông thì măng rừng cũng chẳng còn, nhiều lúc 2 mẹ con cố hái nắm rau rừng già về nấu món “cháo ngô độn rau rừng” cho no bụng”.

Cô giáo Hạ Thị Lan đã có thời gian 1 năm công tác trên phân trường vùng cao Khuổi Kẹn bùi ngùi: “Khổ nhất là bọn trẻ, mùa đông không có quần áo ấm để mặc, lạnh quá, mặt mũi bọn trẻ thâm tái lại. Học được một lúc, cả cô và trò lại phải ra đốt lửa sưởi ấm cho bớt lạnh. Đói rét là thế nhưng được cái bọn trẻ ở đây rất hiếu học, không có tư tưởng bỏ học”. Trong thôn cũng có 1 em đang học cấp 3 ở thị trấn Bằng Lũng, gia đình không có điều kiện nên em phải vừa học vừa đi làm thêm.

Theo anh Phùng Thanh Vinh- công an viên thôn cho biết: Mỗi năm người dân lại phát ở một rẫy khác nhau để trồng ngô, trồng lúa nương nên cũng không thể rà soát được diện tích. Cái ăn của dân chủ yếu nhờ vào diện tích ngô đồi. Nhưng việc canh tác của người dân vẫn theo lối cũ, tất cả nhờ vào trời, nên năng suất rất thấp. Vậy nên tình trạng thiếu ăn trở nên thường xuyên.

Chính vì đường xá quá khó đi mà việc phát triển cây trồng cũng trở nên khó khăn. Trước kia, dự án CARE đã đầu tư cho thôn trồng cây măng Bát Độ. Cây phát triển khá tốt, nhưng đường xa quá không đi bán măng được. Chính vì vậy, người dân cũng chỉ trồng măng để ăn. Không thì phơi khô đến cuối năm mới mang bán, lấy tiền mua gạo ăn tết. Khổ nhất là người bệnh và phụ nữ mang bầu. Để ra được xã, người dân phải lấy chăn làm võng, cáng xuống trạm y tế xã. Những cô giáo ở phân trường cũng nửa tháng mới xuống núi một lần, mua thức ăn cho cả tháng. Thức ăn cũng chỉ có ít đồ khô như cá mắm, mì tôm, củ cải khô…

Đồng chí Triệu Tài Xương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Thi cho biết: “Phát triển nông nghiệp đã khó, phát triển kinh tế rừng lại càng khó khăn hơn. Do thôn nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn Nam Xuân Lạc nên không được thiết kế trồng rừng. Đường xá khó khăn nên tiểu thương mua gỗ thường ép giá người dân. Nhiều khi giá bán gỗ ở thôn rẻ hơn đến 2 - 3 lần giá gỗ ở khu vực trung tâm xã hay ở những khu vực có đường xá thuận lợi”.

Vì quá khó khăn lên thanh niên ở thôn thường đi làm thuê, làm mướn ở những nơi khác. Ngay cả người được coi là có trình độ nhất trong thôn là anh Phùng Xuân Tài, cán bộ dân số kiêm y tế thôn bản cũng bỏ thôn đi làm công nhân điện tử tận dưới Bắc Giang. Vì vậy, trong thôn giờ chủ yếu chỉ còn những người đã có gia đình và bọn trẻ. Phong trào hoạt động thanh niên dường như không có. Tình trạng thiếu nước sạch cũng là vấn đề nan giải. Người dân ở đây dẫn nước từ trên núi về để sinh hoạt, nhưng cứ đến mùa đông là nước còn không đủ ăn. Còn điện, đã từ lâu, ước mơ nhìn thấy ánh điện vẫn là cái gì đó mơ hồ với người dân nơi đây. Họ không mơ có điện mà chỉ mơ có đủ dầu để thắp đèn…

Đồng chí Triệu Tài Xương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Thi cho biết: “Chính quyền xã đang vận động những hộ dân nằm ở xa thôn về tập kết lại một khu vực để dễ quản lý và tiến tới kéo điện phục vụ bà con”. Có điện, người dân sẽ có cơ hội được tiếp cận với thông tin từ bên ngoài và khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người dân vùng đất nghèo mong muốn các cơ quan chức năng đầu tư sửa đường lên thôn. Có đường đi lại thuận tiện, người dân Khuổi Kẹn sẽ dễ dàng bán được măng Bát Độ, bán được chè Tuyết San (hai cây trồng này rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của thôn). Đặc biệt, giống cây sưa quý giá được đưa lên thôn trồng thử đã phát trển rất tốt.

Tạm biệt Khuổi Kẹn khi nắng chiều đã dần buông. Người dân nơi đây đã quen với bóng tối, với những ngọn đèn dầu leo lét. Chúng tôi bước đi trên con đường về mà lòng nặng trĩu. Lòng thầm mong cho những điều ước của 17 hộ dân nơi đây sẽ sớm trở thành hiện thực./.

Khắc Tùng

Xem thêm