Nhìn lại Lễ hội Lồng tồng Ba Bể xuân Giáp Thìn năm 2024

BBK - Lễ hội Lồng tồng Ba Bể là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống quy mô lớn, được tỉnh Bắc Kạn và huyện Ba Bể tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân mới. Năm nay nhìn chung lễ hội được tổ chức thành công, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách. Bên cạnh đó, những điểm hạn chế cũng được huyện chỉ ra để rút kinh nghiệm cho mùa hội năm sau. 

Khai mạc Lễ hội Lồng tồng Ba Bể xuân Giáp Thìn năm 2024 (sáng mùng 10 tháng Giêng) thu hút đông đảo người dân và du khách.

Khai mạc Lễ hội Lồng tồng Ba Bể xuân Giáp Thìn năm 2024 (sáng mùng 10 tháng Giêng) thu hút đông đảo người dân và du khách.

Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc

Nhìn lại Lễ hội Lồng tồng Ba Bể xuân Giáp Thìn năm 2024 có thể thấy, năm nay lễ hội tiếp tục được huyện Ba Bể chuẩn bị chu đáo, an toàn, chủ động về mọi mặt, nâng tầm quy mô của lễ hội. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian thể hiện được bản sắc dân tộc, mang đậm nét truyền thống. Là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Nhiều hoạt động diễn ra trong lễ hội thiết thực, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách gần xa đến tham gia.

Một số hình ảnh về trò chơi dân gian và điểm check in trên hồ Ba Bể.

Một số hình ảnh về trò chơi dân gian và điểm check in trên hồ Ba Bể.

Từ đầu tháng 01/2024, huyện Ba Bể đã thống nhất ban hành kế hoạch, thành lập Ban Tổ chức Lễ hội và các tiểu ban… phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương cùng chủ động phối hợp. Năm nay, phần lễ tiếp tục được thực hiện theo nghi thức tổ chức mang tính truyền thống như mọi năm gồm phần lễ và phần hội diễn ra với các hoạt động chính như: Lễ cầu an trên Đền An Mạ, rước cỗ - thắp hương khấn lễ, múa lân, tung còn khai hội, các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao, thi vẽ tranh, thi khâu còn...

Điểm nhấn tại Lễ hội Lồng tồng Ba Bể xuân Giáp Thìn năm 2024 là huyện đã bố trí kinh phí để tôn tạo một số điểm di tích, điểm tham quan xung quanh khu vực hồ Ba Bể. Đầu tư hệ thống cầu phao nổi check in trên mặt hồ. Đưa hệ thống xe điện vào hoạt động cùng với việc siết chặt quản lý xuồng máy phục vụ việc trung chuyển khách du lịch đi lại thuận tiện. Đặc biệt, màn múa bát với 250 nghệ nhân, diễn viên tại lễ khai mạc đã đem lại nhiều ấn tượng cho du khách và Nhân dân tham dự, góp phần quảng bá du lịch, hình ảnh con người thân thiện ở nơi đây.

Trải nghiệm thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể sáng 11 tháng Giêng.

Trải nghiệm thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể sáng 11 tháng Giêng.

Tại lễ hội, bà Nguyễn Thị Hà, du khách đến từ quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội cho biết: "Được biết hồ Ba Bể đã lâu nhưng chưa có dịp đến để tham quan, du lịch, nên sau những ngày đón Tết cổ truyền gia đình đã tập hợp đoàn hơn 20 người đến đây dự hội. Chúng tôi cảm nhận được sự mến khách của người dân nơi đây, không khí trong lành mát mẻ rất phù hợp với đoàn khi đi trải nghiệm tại một số điểm du lịch. Lễ hội được tổ chức trang trọng, quy mô và có nhiều trò chơi dân gian rất thú vị, trẻ em và người lớn đều có những nơi vui chơi đầy ấn tượng".

Những hạn chế và bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những thành công, Ban Tổ chức lễ hội huyện Ba Bể cũng nhận thấy còn những mặt hạn chế cần rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các sự kiện trên địa bàn huyện trong thời gian tới, đó là: Một số cơ quan, đơn vị, thành viên BTC chưa thực sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động trong việc nắm các nội dung chương trình lễ hội, nên có những nội dung chưa đạt được như mong muốn.

Nội dung hoạt động tại không gian văn hoá chưa thực sự phong phú, bố trí gian Tết xưa có phần còn nghèo nàn, chưa toát lên được nội dung chủ đề. Ý thức của một bộ phận người dân tham gia lễ hội chưa cao trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường. Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông còn mỏng nên trong công tác đảm bảo an ninh tại lễ hội đôi khi còn hạn chế. Còn có tình trạng một số ít hộ dân tự ý dựng hàng quán trong khu vực cấm đã quy định…

Theo bà Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Lồng tồng Ba Bể xuân Giáp Thìn năm 2024 chia sẻ: Lễ hội năm nay, nhìn chung đã thành công tốt đẹp, được người dân và du khách đánh giá cao. Điều này đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Những hạn chế, khó khăn được chỉ ra sẽ được huyện rút kinh nghiệm để những lần tiếp theo tổ chức lễ hội tốt hơn nữa./.

Xem thêm