Nếu như khu vực kinh tế nông lâm nghiệp tiếp tục có những bước tiến mới thì ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, thương mại dịch vụ của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2012 lại thiếu ổn định. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Nhiều nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, giao thương
Bắc Kạn bước vào năm 2012 với nhiều thách thức. Nếu như mũi nhọn nông lâm nghiệp vẫn hội đủ các điều kiện hứa hẹn đạt và vượt chỉ tiêu thì ở công nghiệp - xây dựng cơ bản - thương mại dịch vụ lại tiềm ẩn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự suy thoái của nền kinh tế, chính sách cắt giảm đầu tư công của nhà nước và thiếu những sản phẩm nông, công nghiệp để đẩy mạnh giao thương. Mặc dù vậy, trên lĩnh vực này tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 422 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 9,88%, tăng 20,5% so với năm 2011 nhưng thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Trong đó, khu vực quốc doanh đạt hơn 113 tỷ đồng; ngoài quốc doanh đạt hơn 305 tỷ đồng. Nếu tính theo ngành kinh tế thì công nghiệp khai thác dẫn đầu với hơn 179 tỷ đồng; tiếp đến là công nghiệp chế biến đạt hơn 179 tỷ đồng; công nghiệp điện đạt hơn 57 tỷ đồng; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải đạt hơn 6 tỷ đồng. Theo ước tính của Cục Thống kê, các sản phẩm chính của ngành sản xuất trong năm 2012 đạt như sau: Điện thương phẩm 151.000 KW/h; giấy bìa các loại 5.000 tấn; gỗ xẻ các loại 12.700m3; gạch xây hơn 50 triệu viên; nước máy sản xuất 1.210 nghìn mét khối; quặng kim loại màu 63.000 tấn; quặng sắt 63.000 tấn. Điểm nổi bật là các nhà máy đã sản xuất và bán được 1.000 tấn chì kim loại. Dự kiến đến hết năm sẽ sản xuất được 2.100 tấn miến dong và 3.500 tấn tinh bột dong. Nhà máy ván ghép thanh SAHABAK sản xuất được 3.600m3.
![]() |
Công nghiệp điện đạt 151.000 KW/h điện thương phẩm (ảnh: Trung tâm điều khiển nhà máy thủy điện Nặm Cắt, Bạch Thông). |
Một số dự án công nghiệp quy mô lớn đang khẩn trương hoàn thiện để đưa vào sản xuất như xây dựng nhà máy sản xuất ván MDF công suất 108.000m3 sản phẩm/năm của Công ty Cổ phần SAHABAK; nhà máy sắt xốp công suất 100.000 tấn/năm đã vận hành thử, đang chuyển giao công nghệ. Tỉnh cũng đã xây dựng xong đề án quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010- 2020; quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Huyền Tụng (thị xã Bắc Kạn), Pù Pết (Ngân Sơn).
Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, năm 2012, tổng vốn đầu tư được giao của tỉnh là hơn 1.759 tỷ đồng. Tỉnh đã chú trọng thực hiện điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm nên tốc độ giải ngân tăng qua từng tháng. Nhiều dự án trọng điểm đạt tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm tốt. Cụ thể như: Dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn đến các xã miền núi đặc biệt khó khăn đạt 100%; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3B đạt 100%; nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 257 đạt 100%; đường từ ngã ba Tỉnh ủy đến đường Nguyễn Văn Tố và hạ tầng kỹ thuật nhà công vụ Tỉnh ủy đạt 100%; dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện phân kỳ theo nguồn vốn được giao.
Trong hoạt động thương mại, dịch vụ, toàn tỉnh đạt tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hơn 2.830 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2011. Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 484 tỷ đồng; tư nhân 253 tỷ đồng; cá thể 2.093 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong năm tăng ở cả ba ngành. Cụ thể, thương nghiệp đạt 2.401 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm 2011; lưu trú và ăn uống đạt 301 tỷ đồng, tăng hơn 34%; dịch vụ 128 tỷ đồng, tăng hơn 45%. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 230.000 lượt, tổng doanh thu 161 tỷ đồng, hiệu suất sử dụng phòng buồng đạt 53%.
Vì sao không đạt
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể, đáng mừng trong hoàn cảnh khó khăn chung nhưng gần như chắc chắn lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cơ bản - thương mại, dịch vụ của tỉnh không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, công nghiệp - xây dựng cơ bản chỉ đạt 9,88% so với 20% kế hoạch; dịch vụ chỉ đạt 14,09% so với 18,2% kế hoạch.
Có thể thấy, sản lượng các sản phẩm công nghiệp tăng so với kế hoạch nhưng giá trị gia tăng không đạt do tỷ lệ lạm phát cao, làm tăng chi phí trung gian từ 61% năm 2011 lên 64% trong năm 2012. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đình trệ. Hầu hết các đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng do khó xuất bán sản phẩm. Tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản chỉ đạt khoảng trên 91% do vốn Chương trình 30a; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, cán thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giao muộn và triển khai chậm. Đối với khu vực dịch vụ, trong năm Chính phủ đã thực hiện các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô về tài khóa, tiền tệ làm hạn chế lượng tiền trong lưu thông hàng hóa; lạm phát cao làm tăng chi phí trung gian và giảm giá trị gia tăng.
![]() |
Công nghiệp chế biến khoáng sản đang gặp nhiều khó khăn (ảnh: Tuyển quặng vàng theo phương pháp trọng lực tại Ngân Sơn). |
Đó là những nguyên nhân khách quan tác động mạnh vào nỗ lực thực hiện chỉ tiêu phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần phải nói rằng nhiều nguyên nhân chủ quan cũng đã khiến các chỉ tiêu trong khu vực kinh tế này của tỉnh không đạt. Ngay khi đề ra chỉ tiêu cho năm 2012, tỉnh cũng đã dự báo cơ bản chính xác về những khó khăn để xây dựng kế hoạch sát thực.
Trên địa bàn các huyện, nhất là Ngân Sơn đã có hàng loạt đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản tại nhiều điểm mỏ. Thế nhưng đến nay, cơ bản các đơn vị này đều chậm đi vào khai thác. Dự án nhà máy sắt xốp theo dự kiến sẽ có sản phẩm vào cuối năm nhưng lại phải chờ chuyển giao công nghệ vận hành. Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản phụ thuộc nhiều vào nhu cầu mua, nên khi nhu cầu này giảm lập tức các doanh nghiệp gặp khó, sản xuất đình trệ. Trong khi đó, công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều yếu kém nên đã có danh mục khuyến khích đầu tư nhưng trong năm hầu như không thu hút được dự án nào mới. Tỉnh đã có những sản phẩm nông sản được bảo hộ thương hiệu như hồng không hạt, gạo bao thai Chợ Đồn, quýt Bắc Kạn, miến dong Bắc Kạn nhưng công tác chủ động tìm kiếm thị trường còn chậm. Nông sản đặc sản hiện vẫn tiêu thụ theo kiểu tự phát là chính, chưa có định hướng chế biến cụ thể.
Những kết quả này cùng với những khó khăn được dự báo đang đặt ra những thách thức mới cho sự phát triển trên lĩnh vực này của tỉnh trong năm 2013. Trước tình hình đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Theo đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy trong khu Công nghiệp Thanh Bình; đôn đốc thực hiện chế biến dong riềng đảm bảo sản lượng và chất lượng.
Giải pháp quan trọng nữa là thu hút dự án vào Cụm công nghiệp Pù Pết (Ngân Sơn); tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và du nhập một số ngành nghề tiểu thủ công; triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ; chỉ đạo nâng cấp hệ thống phân phối thị trường bán lẻ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch Ba Bể; nâng cao chất lượng hội chợ thương mại; đôn đốc thực hiện các cam kết đã ký với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các nhóm giải pháp trên đã hoạch định đúng chiến lược vào những mặt còn yếu của tỉnh hoặc chưa được phát huy hết tiềm năng. Các cấp ngành, huyện, thị cần tập trung thực hiện để đưa khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản; thương mại - dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2013./.
Tuấn Sơn