Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, huyện Na Rì còn đẩy mạnh thực hiện công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Những năm trước đây, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở Na Rì gặp không ít khó khăn, tỷ lệ người sinh con thứ 03 trở lên luôn ở mức cao. Sự hiểu biết và nhận thức của nhân dân về công tác dân số và phát triển, sức khỏe sinh sản... còn nhiều hạn chế. Thực trạng đó có ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong huyện. Để khắc phục, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thiết thực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đồng chí Bế Thị Hiên – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Na Rì cho biết: Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Na Rì đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về thực hiện gia đình ít con để có cuộc sống ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên ở khắp các thôn, bản của 22 xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thuyết phục bà con áp dụng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, từng bước xóa bỏ những quan điểm chưa đúng về công tác DS-KHHGĐ của đồng bào.
Tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho phụ nữ tại thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng (Na Rì). |
Hoạt động truyền thông, tư vấn tại cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ thuộc các nhóm đối tượng phụ nữ, thanh niên, nông dân, hội thi cộng tác viên... đã phát huy hiệu quả tốt. Những cộng tác viên, cán bộ chuyên trách dân số luôn bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng bào đã hiểu biết cụ thể về các biện pháp tránh thai hiện đại, tác hại của việc nạo phá thai ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản, hiểu biết về các biện pháp làm mẹ an toàn, các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, cách chăm sóc sức khỏe trẻ em theo phương pháp khoa học. Nếu trước đây việc thực hiện KHHGĐ phần lớn đều do phụ nữ tham gia, thì hiện nay đã có sự chủ động vào cuộc của nam giới.
Nhờ vận động thực hiện tốt KHHGĐ nên tỷ lệ sinh của huyện Na Rì trong những năm gần đây đã giảm hẳn. Nhiều cặp vợ chồng đã nhận thức rõ trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con, nên chủ động thực hiện KHHGĐ để giảm sinh. Tính riêng trong năm 2012, toàn huyện có 7.231 cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai; đặt dụng cụ tử cung được 726 trường hợp, đạt hơn 134% kế hoạch; thực hiện khám phụ khoa cho 2.140 trường hợp, vượt gần 113% kế hoạch...
Đồng chí Phan Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: Song song với việc vận động người dân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, huyện Na Rì đồng thời phát động và triển khai thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc... Trẻ em dưới 1 tuổi đều được tiêm chủng đầy đủ các loại vác xin theo Chương trình tiêm chủng Quốc gia, phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở mức thấp nhất. Coi việc thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ và không sinh con thứ 3 trở lên là một tiêu chí để xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ, huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội trong công tác tuyên truyền, phối hợp lồng ghép mục tiêu dân số với phát triển thông qua các hoạt động và chương trình công tác của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, nâng cao hiệu quả mô hình truyền thông dân số với phát triển. Cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, thực hiện chính sách dân số trên phạm vi toàn huyện thông qua “Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” và của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015./.
Quý Đôn