Nhân lên sức mạnh của tinh thần đoàn kết

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Trong không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân mới Giáp Thìn, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã trả lời phỏng vấn Báo Bắc Kạn về phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thi trình diễn trang phục truyền thống tại Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” thôn Bản Cậu, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn.

Thi trình diễn trang phục truyền thống tại Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” thôn Bản Cậu, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn.

Phóng viên: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”. Xin đồng chí cho biết, thấm nhuần tư tưởng của Người, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong tỉnh đã triển khai nội dung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào?

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa: Đảng ta luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Thời gian qua, với vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập trung đổi mới công tác vận động, tập hợp, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

MTTQ các cấp trong tỉnh luôn bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm vụ chính trị hằng năm để xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hành động phù hợp; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát thực tiễn, hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, hội viên và người dân là chủ thể tuyên truyền, vận động thực hiện. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, phản ánh kịp thời với cấp ủy, phối hợp với chính quyền xem xét, giải quyết, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời, chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh ngày càng được củng cố, mở rộng và tăng cường, tạo động lực to lớn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nét nổi bật nhất đó là MTTQ các cấp thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái với người nghèo. Tính riêng trong năm 2023, dịp Tết Nguyên đán, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà Tết hỗ trợ người nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được tổng số 23.266 suất quà, tổng trị giá trên 8,44 tỷ đồng. Trong năm, Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động và tiếp nhận về Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 23,4 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 429 căn nhà “Đại đoàn kết” với tổng trị giá trên 20,7 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ VI đề ra.

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, góp phần giảm 2,76% hộ nghèo đa chiều và nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh.

Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền đạt kết quả quan trọng. MTTQ phối hợp quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Tổ chức nhiều hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp; các dự án luật, dự thảo các chương trình mục tiêu của Trung ương, địa phương. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội được chú trọng gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương và những vấn đề được đông đảo Nhân dân quan tâm, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp.

Phóng viên: Từ kết quả đã đạt được và để phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư những năm tiếp theo nên được tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa: Năm 2023, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức tổng kết 20 năm triển khai Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trải qua 20 năm, Ngày hội ngày càng thể hiện được giá trị thiết thực trong đời sống xã hội. Ngày hội ở mỗi địa phương đều mang những sắc thái riêng gắn với truyền thống văn hóa, phù hợp với đời sống chính trị và yêu cầu của Nhân dân. Nét đặc trưng chung trong tổ chức Ngày hội là nơi trao truyền tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng trong mọi tầng lớp nhân dân; là diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa các thành viên trong địa bàn dân cư về việc xây dựng tình đoàn kết, củng cố nghĩa đồng bào; ghi nhận, tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp phát động.

Ngày hội càng trở nên ý nghĩa hơn khi cùng nhau tổ chức bữa cơm “Đại đoàn kết” gắn với các hoạt động thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng; trao nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo; giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc của mỗi cộng đồng, từng địa phương... Bên cạnh đó, những người dân sống và làm việc xa quê được Ban Công tác Mặt trận mời về dự và chung vui với anh em, họ hàng trong khu dân cư, người dân mọi lứa tuổi có dịp gặp gỡ, giao lưu. Mỗi người đến dự đều phấn khởi và đều cảm nhận rõ hơn ý nghĩa và trách nhiệm chung tay, góp sức để xây dựng cuộc sống ở thôn bản, khu phố ngày một tốt đẹp hơn.

Nhiều năm gần đây, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được thể hiện rõ nét trong Ngày hội, các khu dân cư tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương. Trong năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông lồng ghép tuyên truyền về chuyển đổi số trong Ngày hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác này.

Trong thực tiễn chỉ đạo, nhiều địa phương đã có sự sáng tạo trong lựa chọn chủ đề của Ngày hội bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị - xã hội, phục vụ nhu cầu đời sống của Nhân dân. Công tác phối hợp hướng dẫn tổ chức chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, đề xuất lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tham dự Ngày hội đến công tác xây dựng kịch bản tổ chức và hoạt động, sắp xếp thời gian phù hợp với mỗi khu dân cư. Điểm nhấn trong công tác chỉ đạo là hệ thống chính trị các cấp đã xác định Ngày hội là diễn đàn dân chủ hằng năm để đội ngũ cán bộ gắn bó mật thiết hơn với Nhân dân, là dịp quan trọng để tiếp xúc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; trao đổi giải đáp những vấn đề được Nhân dân quan tâm. Qua đó mỗi tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên xây dựng chương trình hành động, đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, cơ sở.

Những năm tiếp theo, Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” cần tiếp tục khẳng định được vai trò, ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về truyền thống đoàn kết của dân tộc, về yêu cầu đại đoàn kết trong tình hình mới, về lịch sử vẻ vang và vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả việc phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc từ những hoạt động của MTTQ các cấp tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua?

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa: Với sự nỗ lực của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thời gian qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của Nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.

Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường.

Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể các cấp ngày càng đổi mới và hướng mạnh về cơ sở. Việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Kết quả đạt được thời gian qua có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Lễ đón dâu của dân tộc Dao Đỏ thôn Khuổi Làng, xã An Thắng, huyện Pác Nặm.

Lễ đón dâu của dân tộc Dao Đỏ thôn Khuổi Làng, xã An Thắng, huyện Pác Nặm.

Phóng viên: Để phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, hoạt động của MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung trọng tâm nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa: Để phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, hoạt động của MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung sau:

Một là, phối hợp các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân hiểu và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, về đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên, trọng tâm là hướng về cơ sở; nắm rõ tình hình Nhân dân; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Hai là, tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua lao động sản xuất, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Bắc Kạn chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Duy trì, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo trong hệ thống MTTQ các cấp.

Ba là, đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam và mới nhất là Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bốn là, MTTQ các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, phát huy vai trò các tổ chức thành viên để tạo nguồn cán bộ cho Mặt trận. Thường xuyên củng cố, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ người làm công tác Mặt trận các cấp.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương. Nhiệm vụ trước mắt là tập trung triển khai thực hiện Đề án của Ban Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tỉnh Bắc Kạn” và chuẩn bị các bước thực hiện công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hoàng Vũ (thực hiện)

Xem thêm