Người thầy giáo đam mê với nghề chế tác đá

Với niềm đam mê nghệ thuật, nhất là chế tác sản phẩm đồ mỹ nghệ thủ công, thầy giáo Nông Việt Hải (sinh năm 1981), giáo viên Trường Tiểu học Cao Tân (Pác Nặm) đã tìm tòi, thành lập xưởng chế tác các sản phẩm từ đá cuội, đá tự nhiên nguyên khối.

Năm 2021, thầy giáo Nông Việt Hải chuyển công tác từ thành phố Bắc Kạn lên Pác Nặm. Sau một thời gian gắn bó nơi đây, nhận thấy nguồn đá, sỏi ở Pác Nặm rất dồi dào với nhiều thể loại, màu sắc phong phú. Sông Năng ở xã Bằng Thành có đa dạng nhiều loại đá như: đá cuội, đá gan gà, đá vàng găm... nên tranh thủ những ngày cuối tuần, thời gian rảnh, anh Hải lại đi khắp các con sông, suối tại các xã Bằng Thành, Công Bằng, Giáo Hiệu, An Thắng tìm đá. Anh bỏ tiền mang đá đi test cường lực và nhận được đánh giá đá có khoáng chất, độ cứng, độ dai rất tốt, thuộc loại đá gratit phù hợp để chế tác đồ mỹ nghệ và nhiều đồ vật hữu dụng khác. Do đó, anh đã mạnh dạn bỏ vốn thành lập xưởng chế tác đá tại thôn Nà Phẩn, xã Bộc Bố vào tháng 10/2021.

Thầy giáo Nông Việt Hải đam mê chế tác đá.
Thầy giáo Nông Việt Hải đam mê chế tác đá.

Vốn là sinh viên ngành Điêu khắc của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nay là giáo viên dạy Mỹ thuật, anh Nông Việt Hải có sẵn trong mình niềm đam mê với nghệ thuật, đến với nghề bằng sự tâm huyết đam mê và kỹ năng của bản thân. Anh Hải bắt tay vào xây dựng xưởng với ý tưởng chế tác những hòn đá cuội, đá tự nhiên thành chậu rửa lavabo, chậu trồng cây cảnh bonsai, bát đá, đồ trang trí...

Vì xưởng mới thành lập, lại là nghề còn mới lạ, nhiều người chưa biết đến nên con đường bước vào nghề chế tác đá cũng gặp không ít khó khăn, anh Hải chia sẻ: "Nguồn nguyên liệu chế tác là đá tự nhiên, vì vậy trong quá trình khai thác cần phải được cấp phép, khai thác hợp lý. Mình tự bỏ vốn đầu tư nên cũng gặp nhiều trở ngại. Vì là nghề mới nên đối với các lao động địa phương còn phải cầm tay chỉ việc, các anh em thợ mới học việc tay nghề chưa cao, số lượng sản phẩm làm ra còn ít, cung không đủ cầu nên mình cũng chưa dám nhận nhiều đơn. Sản phẩm tiếp cận được với khách hàng còn hạn chế...".

Không chỉ là người thầy truyền cảm hứng nghệ thuật trên bục giảng, anh còn là người thầy chỉ bảo cho nhiều thanh niên người dân tộc Mông, Dao, Tày chế tác đá và đem lại thu nhập ổn định. Hiện nay xưởng chế tác của anh có 04 thợ vừa làm, vừa học việc. Anh Tạ Văn San, thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng chia sẻ: "Mới đầu học việc còn bỡ ngỡ, cảm thấy khó khăn khi cầm máy mài, cắt phiến đá tạo hình khối nhưng sau thời gian anh Hải cầm tay chỉ việc tận tình, mình bắt đầu làm quen dần, tay nghề cũng được nâng lên. Tiền lương tính theo sản phẩm, thu nhập ổn định 7 triệu/tháng, thêm nữa lại gần nhà nên cũng muốn gắn bó lâu dài."

Chậu rửa lavabo và bát đá được mài nhẵn và tráng bóng đẹp mắt.
Chậu rửa lavabo, bát đá được mài nhẵn và tráng bóng đẹp mắt.

Tận mắt chứng kiến quá trình chế tác, được chiêm ngưỡng những sản phẩm của anh tạo ra, chúng tôi không khỏi khâm phục tài năng, sự khéo léo đầy sáng tạo của anh Nông Viết Hải đã thổi hồn vào những tác phẩm, biến những khối đá to xù xì, vô tri, vô giác trở thành tác phẩm độc đáo. Để tạo ra tác phẩm đẹp, anh phải tỉ mỉ từ cách khai thác đá đến khâu chọn đá thô và chế tác hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Từ công đoạn vẽ phác thảo trên đá, tạo hình khối tới đục thô, đục tinh và đánh bóng hoàn hiện sản phẩm đều phải hết sức khéo léo.

Anh Lê Hồng Quân- Giám đốc HTX Vạn Lộc, xã Bộc Bố đánh giá sản phẩm: "Đây là mô hình mới có rất nhiều cái ưu việt như chế tác từ nguồn đá tự nhiên ở địa phương, tuổi thọ sản phẩm bền lại thân thiện với môi trường không có sự can thiệp từ hóa chất, mẫu mã đẹp, càng dùng sản phẩm càng bóng. Giá cả có sự cạnh tranh...".

Sản phẩm bằng đá độc đáo do xưởng anh Hải chế tác ra có giá thành, chất lượng, cạnh tranh được với các dòng đồ gốm, sứ cao cấp. Vì là sản phẩm thân thiện với môi trường nên tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng từ Thái Nguyên, Hà Nội... tìm đến cơ sở của anh đặt hàng. Sản phẩm đa dạng, bền chắc, công dụng và hình thức đẹp rất phù hợp với thị hiếu của nhiều khách hàng.

Huyện Pác Nặm có nhiều sông, khe suối với số lượng đá lớn, nếu có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để phát triển mô hình chế tác các sản phẩm từ đá như mô hình của thầy giáo Nông Việt Hải sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây là mô hình mới trên địa bàn tỉnh có hiệu quả kinh tế cần được các cấp, ngành quan tâm đầu tư nhân rộng./.

Thanh Hảo

Xem thêm