Người dân mong muốn sớm chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thời gian gần đây, nhiều cử tri huyện Ngân Sơn phản ánh về việc chậm được chi trả tiền thực hiện giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng của năm 2021 và 2022.
Ông Tô Văn Liệu chỉ cho phóng viên Báo Bắc Kạn về những lô, khoảnh hiện nay tổ dân phố Bản Mạch đang bảo vệ.

Ông Tô Văn Liệu chỉ cho phóng viên Báo Bắc Kạn về những lô, khoảnh hiện nay tổ dân phố Bản Mạch đang bảo vệ.

Theo ông Tô Văn Liệu, tổ trưởng tổ dân phố Bản Mạch, thị trấn Nà Phặc: Ngày 31/8/2019, ông đã thay mặt các hộ dân trong thôn ký kết hợp đồng với Ban Quản lý Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Ngân Sơn để nhận thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn của tổ. Hiệu lực hợp đồng được tính kể từ ngày ký đến ngày 31/12/2023. Theo đó, tổ dân phố Bản Mạch thực hiện bảo vệ hơn 290ha rừng tự nhiên, năm 2019 và 2020 đã được chi trả; năm 2021 và năm 2022 vẫn chưa được chi trả.

Cũng theo ông Liệu, việc tuần rừng để bảo vệ cây rừng tự nhiên được cộng đồng thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng giao khoán. Trong hơn 3 năm thực hiện việc bảo vệ rừng, các tổ của cộng đồng thường xuyên cắt cử người theo nhóm đi tuần rừng và đến nay chưa để xảy ra việc chặt, phát phá rừng tự nhiên trong khu vực tổ quản lý. Tuy nhiên, do 02 năm nay không có tiền chi trả công chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên nên một số thành viên trong cộng đồng có tâm lý không muốn đi tuần rừng nữa. Trước thực tế trên, cộng đồng tổ dân phố Bản Mạch rất mong cấp có thẩm quyền sớm chi trả tiền cho người dân để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Tương tự, anh Đặng Văn Thanh, thôn Bản Lìm, xã Thuần Mang cũng thay mặt cộng đồng dân cư trong thôn ký hợp đồng nhận bảo vệ hơn 30ha rừng phòng hộ và rừng tự nhiên. Sau khi ký hợp đồng, thôn đã thành lập các tổ, đội thay phiên nhau đi tuần rừng, bảo vệ rừng và không để xảy ra các vụ việc xâm phạm rừng đã được nhận giao khoán. Trong thôn hiện có 39 hộ dân thì có đến 36 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, đời sống chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô, thôn đã tính toán số tiền được chi trả sẽ hỗ trợ các hộ mua cây, con giống để trồng trọt, chăn nuôi tăng thêm thu nhập, nhưng đến nay vẫn chưa thấy chi trả.

Ông Hoàng Văn Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn cho biết: Hiện nay, huyện đã hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ với 457 cộng đồng và hộ gia đình với tổng diện tích hơn 7.978ha; giao khoán bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho 578 hộ gia đình, cộng đồng với tổng diện tích hơn 5.740ha.

Việc thực hiện bảo vệ qua theo dõi, giám sát cơ bản các cộng đồng và hộ gia đình đều nghiêm túc thực hiện và bảo vệ rất tốt. Do không có nguồn kinh phí nên còn nợ các tổ và hộ dân bảo vệ rừng của năm 2021 và năm 2022 là trên 10,7 tỷ đồng. Ban Quản lý Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Ngân Sơn cũng báo cáo vấn đề này với tỉnh để xin nguồn kinh phí thực hiện.

UBND tỉnh cũng đã có Văn bản số 6489/UBND-NNTNMT ngày 03/10/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo và đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hiện toàn tỉnh giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư với diện tích gần 410.000ha. Phần kinh phí bảo vệ đã chi trả đến hết năm 2020; phần kinh phí còn nợ, cần thanh toán là gần 53 tỷ đồng.

Tỉnh đề xuất với Thủ tướng Chính phủ được sử dụng một phần kinh phí từ nguồn vốn của Tiểu Dự án I thuộc Dự án 3 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Khi có nguồn kinh phí được bố trí sẽ thực hiện chi trả cho cộng đồng và các hộ dân tham gia bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký./.

Xem thêm