Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp sau nửa nhiệm kỳ thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn, ngành Nông nghiệp Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả nhất định, tốc độ phát triển tăng 27% so với nhiệm kỳ trước, các lĩnh vực đang từng bước được tái cơ cấu lại theo vùng, ngành.
Sản xuất mô hình lúa hữu cơ là kết quả nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua.

Sản xuất mô hình lúa hữu cơ là kết quả nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tỉnh đã ban hành hành Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn…

Theo đó các sở, ngành, địa phương đã xây dựng chương trình hành động, chủ động tuyên truyền nội dung các nghị quyết, đề án, văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh đến các xã, phường, vận động người dân tham gia vào các hoạt động sản xuất trên từng lĩnh vực.

Sau hơn 2,5 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức, trình độ canh tác, sản xuất của người dân được nâng lên, các chính sách hỗ trợ sản xuất đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, nhiều nơi đã thành lập các nhóm hộ, chủ động liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu đặc trưng vùng. Một số sản phẩm như bí xanh thơm Ba Bể, Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, nghệ Curcumin Bắc Hà, nghệ nếp Tân Thành (TP. Bắc Kạn)… được quảng bá, tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh.

Một số chỉ tiêu nổi bật được ghi nhận gồm: Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cây dong riềng, nghệ, quế, nuôi lợn; phát triển nông - lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch gồm 03 mô hình đạt và vượt kế hoạch là: Mô hình 22ha bí xanh thơm tại xã Địa Linh, Yến Dương; 10ha hồng không hạt tại xã Quảng Khê (Ba Bể); 10ha mô hình cây ăn quả cam, quýt, ổi tại xã Quang Thuận (Bạch Thông); phát triển dược liệu loại cây có chu kỳ 01 năm thực hiện 104ha, đạt 114% kế hoạch.

Một số nơi đã xây dựng thành công các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Liên kết sản xuất gạo Nhật Japonica, gạo Khẩu Nua Lếch, Khẩu Nua Lương, Khẩu Nua Pái, bí xanh thơm Ba Bể. Trong 03 năm 2021 - 2023 diện tích sản xuất gạo chất lượng đạt 4.350ha, sản lượng thóc trên 18.000 tấn; bí thơm ước đạt trên 6.700 tấn.

Các mô hình phát triển nông- lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch từng bước được hình thành, nhân rộng.

Các mô hình phát triển nông- lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch từng bước được hình thành, nhân rộng.

Đặc biệt một số vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản được quan tâm, phát triển như: Chè Shan tuyết, hồng không hạt, mơ; đào toáng Chợ Đồn; dẻ ván Ngân Sơn. Tỉnh còn trình Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” cho 03 sản phẩm: Hồng không hạt, quýt và miến dong; bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho 03 sản phẩm: Gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết Bằng Phúc. Trên lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành một số trang trại, gia trại quy mô, các Chương trình xây dựng NTM, xây dựng mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP được triển khai sâu rộng đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 182 sản phẩm OCOP đạt 03 sao trở lên.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chưa đạt gồm: Diện tích cây trồng được cấp giấy chứng nhận (VietGAP, hữu cơ….) thấp; diện tích cây lâm nghiệp thực hiện để cấp chứng chỉ FSC; diện tích thâm canh cây mơ, chè, dong riềng… chưa đạt theo kế hoạch Nghị quyết.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn chú trọng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh. Chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu đối với cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn...

Xem thêm