Nghị quyết 04 tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ ba (khóa XI) đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, bền vững.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ ba (khóa XI) đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, bền vững.

Trước thực trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa; công nghiệp chế biến nông sản, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp so với các tỉnh trong vùng; sản lượng hàng hóa ít, chất lượng chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh..., Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 4 năm 2016, với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 – 2020.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 04, HĐND và UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết, quyết định, đề án phát triển nông nghiệp vào cuộc sống. Cùng với đó, các địa phương tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong thực hiện đề án, chương trình, mô hình liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả, sau 4 năm tích cực thực hiện nghị quyết, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, hàng loạt các loại cây có thế mạnh như : Lúa nếp, gạo Bao thai, dong riềng, thuốc lá, chè, nghệ, mơ, cam, quýt, bí xanh thơm ... đã được nâng cao năng suất, chất lượng.

sfsff
Chế biến gừng xuất khẩu tại Công ty Misaki.

Đối với sản xuất lúa chất lượng cao, năm 2016, toàn tỉnh có 3.000ha trồng lúa chất lượng, có giá trị kinh tế, chủ yếu là lúa Bao thai Chợ Đồn, Khẩu Nua Lếch. Đến năm 2019, diện tích trồng lúa chất lượng tăng lên 3.500ha, đạt 350% mục tiêu nghị quyết. Gạo Japonica gây dựng được thương hiệu, gạo Bao thai, Khẩu Nua Lếch được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, bước đầu thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. Diện tích trồng dong riềng tăng dần qua các năm. Một số doanh nghiệp chế biến miến dong đã thực hiện hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho người dân theo chuỗi giá trị. Sản phẩm của một số cơ sở sản xuất đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, chứng nhận VietGAP, có mặt tại một số hệ thống siêu thị, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Đặc biệt, huyện Na Rì đã thực hiện 15 mô hình rải vụ, thâm canh đối với cây dong riềng trồng dưới các chân đất ruộng không chủ động nước, đất soi, bãi cho năng suất cao 100 tấn/ha.

Trong phát triển cây ăn quả, thống kê năm 2019, toàn tỉnh có 3.156ha cây cam, quýt, trồng tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 2.100ha, sản lượng bình quân đạt 15.143 tấn/năm. Các địa phương tập trung thực hiện thâm canh, cải tạo, trồng bổ sung nhằm tăng năng suất đối với 1.250ha cam, quýt, trong đó có 88,8ha cam, quýt được cải tạo, thâm canh, chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc VietGAP. Diện tích, sản lượng cam, quýt tăng dần qua các năm, mang lại nguồn thu ổn định cho người trồng. Cây hồng không hạt cũng được chú trọng phát triển. Hiện, toàn tỉnh có 677ha hồng không hạt, trồng chủ yếu ở các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn. Diện tích cho thu hoạch khoảng 395ha, sản lượng bình quân 1.588 tấn/năm. Các địa phương đã thực hiện thâm canh, tăng năng suất 190ha; có 63ha hồng không hạt được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP.

Từ năm 2016 trở lại đây, cây chè được quan tâm chỉ đạo nên diện tích trồng bổ sung, thâm canh tăng lên đáng kể. Cụ thể, đã cải tạo, trồng bổ sung hoặc thay thế 453ha chè già cỗi tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới. Huyện Ba Bể, Chợ Mới đã thực hiện mô hình cải tạo trồng mới, thay thế chè già cỗi với quy mô 10,2ha. Hiện nay, diện tích chè đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ là 103,7ha.

Phát triển mạnh nhất là các loại cây rau, củ, quả các loại. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000ha trồng rau với sản lượng bình quân 24.500 tấn. Trong 4 năm gần đây, người dân đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để trồng rau an toàn, bước đầu đem lại hiệu quả. Tại các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Bạch Thông, hiện có trên 250ha rau, củ, quả sản xuất theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó: 67ha thâm canh tăng năng suất; 21,4ha được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cây bí xanh thơm Ba Bể đã được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Với diện tích trồng trung bình hằng năm từ 40 - 70ha, sản lượng đạt trên 2.500 tấn, bí xanh thơm đang là thương hiệu tiêu thụ tốt của huyện Ba Bể. Ngoài các sản phẩm trên, việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn như: Mận chín sớm đạt 566ha, nghệ 118ha, cây mơ hơn 300ha… Trong đó, cây nghệ và mơ được sản xuất theo hình thức liên kết có bao tiêu sản phẩm là 106ha.

Từ việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, các cơ sở, hợp tác xã được hỗ trợ thành lập, tập trung chế biến hàng hóa nông sản. Khi có sản phẩm, các cơ sở, hợp tác xã tiếp tục được quan tâm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại. Với những chính sách ưu việt, sâu sát, danh sách sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP liên tục tăng, lên tới 105 sản phẩm. Nhiều mặt hàng nông sản Bắc Kạn như: Curcumin nghệ, gừng, tinh bột nghệ, bí xanh thơm, gạo Japonica, gà đồi... đã được nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo được thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã xuất bán sang thị trường châu Âu; sản phẩm quả mơ, củ gừng có mặt tại siêu thị ở Nhật Bản.

Có thể thấy, Nghị quyết số 04 là chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, phù hợp với thời điểm. Đặc biệt, mục tiêu căn bản nhất của nghị quyết sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã được người dân trong tỉnh nhận thức rõ và tích cực thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm… đã thành công, tạo bước đột phá mạnh mẽ, góp phần tăng trưởng cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với tỷ lệ 35% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra./.
 

Phan Quý

Xem thêm