Nghề làm tăm thủ công ở Chợ Đồn

Ở thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn), có rất nhiều hộ gắn bó với nghề vót tăm thủ công. Tuy là nghề phụ do các chị em làm những lúc rảnh rỗi, song sản phẩm tăm thủ công ở đây lại được nhiều người ưa thích, sử dụng hằng ngày.

Bà Triệu Thị Sử ở tổ 7, thị trấn Bằng Lũng đã có hơn 10 năm làm nghề vót tăm gỗ.
 Bà Triệu Thị Sử ở tổ 7, thị trấn Bằng Lũng đã có hơn 10 năm làm nghề vót tăm gỗ.

Bà Triệu Thị Sử, tổ 7, thị trấn Bằng Lũng đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề vót tăm thủ công. Những chiếc tăm được vót bằng tay nhưng rất thon, đẹp, dễ sử dụng, điều này cho thấy sự khéo léo, tỉ mẩn của người làm ra nó. Xoay quanh câu chuyện về nghề phụ này, bà Sử kể rằng trước đây vót tăm chỉ là để phục vụ gia đình, có lúc làm nhiều quá không sử dụng đến lại mang đi cho, biếu người quen làm quà. Cũng không ngờ rằng, tăm vót tay lại được rất nhiều người yêu thích đến vậy, họ tìm đến đặt mua, từ đó bà gắn bó với nghề làm tăm, coi đây như là nghề phụ và là niềm vui mỗi lúc nông nhàn. 

Theo bà Sử, cây làm tăm được lấy ở trên đồi rừng, người dân bản địa còn gọi là cây "mạy chia", loại cây thường sử dụng để luộc bánh chưng, hoặc cây "mạy téc" hay còn gọi là cây "máu chó" thường mọc trên núi đá, thân chắc, cứng, dễ khai thác. Do không phải là cây lấy gỗ nên chỉ cần cây già, thân thẳng là có thể chặt về dùng. Nguyên liệu làm tăm sau khi lấy về được cắt ra từng khúc nhỏ, rồi phơi khô, chẻ ra dùng dần. Đa phần người sử dụng tăm "mạy chia" đều cho rằng tăm vót tay có độ mềm dẻo vừa phải, dễ sử dụng, có mùi thơm thoang thoảng, không gây chảy máu chân lợi như các loại tăm tre, hơn nữa tăm do bà con tự làm không ngâm tẩm hóa chất nên rất an toàn khi sử dụng.

Bà Sử cũng tâm sự, vót tăm là công việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều công sức lao động nhưng phải kiên trì, tỉ mỉ thì mới vót được những chiếc tăm đẹp. Bình quân một ngày bà vót được 800 que, dịp Tết vừa qua số lượng tăm làm ra không đủ bán do khánh hàng đặt về dùng, làm quà biếu. Đến nay, sản phẩm tăm thủ công của bà Sử không chỉ bán trong vùng mà khách ở một số tỉnh như Thái Nguyên, Hà Nội cũng đặt mua.

Mỗi gói tăm bà Sử bán 10.000 đồng, gồm 100 chiếc, bên trong túi đựng tăm có in thêm địa chỉ, số điện thoại coi như đó là hình thức quảng bá sản phẩm. Mặc dù số tiền thu về từ bán tăm chỉ được khoảng 15 triệu đồng/năm, nhưng với bà Sử lại rất có giá trị, ý nghĩa vì đó là công sức lao động và quan trọng hơn cả nó như một nghề truyền thống mà bà luôn muốn duy trì, gìn giữ.

Tăm gỗ được đóng gói bằng túi hút chân không.
Tăm gỗ được đóng gói bằng túi hút chân không.

Nghề vót tăm thủ công ở Chợ Đồn phù hợp với nhiều lứa tuổi, ai cũng có thể làm được nếu như rảnh rỗi. Bà Trương Thị Mợi ở tổ 15, thị trấn Bằng Lũng là cán bộ hưu trí năm nay đã hơn 70 tuổi cũng làm tăm từ nhiều năm nay. Những lúc có thời gian bà lại ngồi vót tăm để bán, dụng cụ gồm một con dao sắc, nguyên liệu là cây gỗ tạp. Khi cao điểm một ngày bà có thể vót được vài trăm chiếc, đến nỗi đầu ngón tay chai sạn. Mặc dù mỗi gói chỉ bán 5.000 đồng -10.000 đồng, nhưng với bà Mợi đó là niềm vui riêng. Tăm vót thành sản phẩm, bà Mợi lại đóng gói nilon mang cho khách quen bán, cứ như vậy bên cạnh niềm vui con cháu, vườn tược, bà lại có thêm nghề làm tăm ở tuổi già.

Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc tăm bằng gỗ vót tay ở Chợ Đồn lại được nhiều người ưa thích bởi sự tự nhiên, giản đơn và tiện dụng mà sản phẩm mang lại. Xuất phát từ điều này, hiện nay đã có những hộ thu gom, đóng gói thành túi chân không để bán. Tuy giá trị tạo ra chưa thực sự lớn nhưng nếu biết cách liên kết, có kế hoạch phát triển thì đây cũng có thể trở thành một nghề thủ công truyền thống, giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi./.

Thu Trang

Xem thêm