Ngày xuân nghe chuyện làm nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Xuân Giáp Thìn 2024 đang về trên khắp mọi nẻo đường từ thành thị đến làng quê. Trong mùa xuân mới, người dân tươi vui, phấn khởi, bản làng ngập tràn sắc xuân... Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đi vào cuộc sống, làm thay đổi từ tư duy đến hành động của cấp ủy, chính quyền và người dân, giúp “Ý Đảng - lòng dân” đồng thuận.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn huyện Ngân Sơn.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn huyện Ngân Sơn.

Đến nay, khi nói về việc chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng chí Lục Văn Bảy, Bí thư Chi bộ thôn Bản Cào, xã Côn Minh (Na Rì) vẫn tự hào về những việc đã làm của người dân trong thôn, ông Bảy kể: “Khi thôn được chọn là địa phương xây dựng thôn NTM điểm, trong quá trình triển khai làm tuyến đường nội thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” lúc đầu cũng bị vướng ruộng, vườn, tường rào của một số hộ dân, có hộ đề nghị đền bù... Thế nhưng tôi cùng Ban Công tác Mặt trận đã đến tuyên truyền, vận động, giải thích về chủ trương cho người dân hiểu, từ đó bà con đồng thuận, tự nguyện hiến đất làm đường. Hay như câu chuyện gia đình ông Hoàng Văn Học đã tự nguyện lấp một ao đang nuôi cá và hỗ trợ một phần đất ruộng cùng tiền mặt cho hộ có ruộng bị vướng mặt bằng... Đến nay thôn Bản Cào đạt chuẩn NTM, chúng tôi lại càng thấm lời Bác dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Nhờ sự chung tay của người dân, nhiều vướng mắc khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được giải quyết dễ dàng.Nhờ sự chung tay của người dân, nhiều vướng mắc khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được giải quyết dễ dàng.

Ở xã Bành Trạch (Ba Bể), mặc dù chưa nằm trong lộ trình về đích xã NTM nhưng nhiều khu dân cư đã chủ động hiến đất, tiền, ngày công làm đường giao thông để thuận lợi đi lại, giao thương, phát triển kinh tế, giảm nghèo. Anh Lã Văn Thùy, Trưởng thôn Khuổi Slẳng chia sẻ: “Thôn có 53 hộ dân sinh sống, trước đây đường vào khu sản xuất Nà Tảo chỉ là đường mòn, đá lổn nhổn, mùa khô, mùa mưa đều rất khó đi. Xác định cần phải có con đường đi thuận lợi và vận chuyển nông sản sau thu hoạch được dễ dàng, gia đình anh Dương Văn Quý đã tự nguyện hiến đất và bỏ tiền thuê máy xúc để giải phóng mặt bằng cho thôn làm đường bê tông rộng hơn 3m, dài trên 600m. Việc anh Quý làm hoàn toàn tự nguyện vì lợi ích chung của cộng đồng, từ đó đã vận động được đông đảo bà con trong thôn cùng làm theo”.

Về xã NTM Ngọc Phái (Chợ Đồn), ông Trần Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định phát huy nội lực là chủ yếu, xã vận động Nhân dân thay đổi nhận thức trên tinh thần tự nguyện thực hiện chứ không bắt buộc người dân đóng góp bằng mọi giá; phát huy dân chủ, người dân quyết định cách làm, cán bộ hỗ trợ, tư vấn, cùng làm. Bà con được làm chủ thực hiện các công trình từ thiết kế, thuê nhân công, mua vật tư, xây dựng, đóng góp... Năm 2022, Ngọc Phái về đích xã NTM.

Kinh tế phát triển nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.Kinh tế phát triển nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Bắc Kạn sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, với nhiều cách làm sáng tạo, chủ động của các cấp chính quyền, chung tay của người dân, Chương trình đã thổi luồng sinh khí mới đến các vùng nông thôn. Theo Văn phòng NTM tỉnh, đến thời điểm này toàn tỉnh có 29 xã đạt NTM, trong đó, 4 xã đạt NTM nâng cao.

Ngày xuân, đến các bản làng, nghe những câu chuyện về xây dựng NTM, thấy được niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước; chủ trương đúng, hợp với lòng dân đã làm chuyển biến bộ mặt nông thôn. Nhịp sống mới trên các bản làng vùng cao đang ngày càng khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp, đời sống của đồng bào đang đổi thay, ấm no, hạnh phúc./.

Tùng Vân

Xem thêm