Ngân Sơn tự hào có 3 nhà văn, nhà thơ họ Nông

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Mảnh đất Ngân Sơn tươi đẹp, giàu truyền thống văn hoá và tinh thần cách mạng đã sinh ra ba nhà thơ, nhà văn có nhiều đóng góp, mở ra một thời kỳ mới của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đó là nhà thơ Nông Quốc Chấn, nhà văn Nông Minh Châu và nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923 – 2002)

Ông tên thật là Nông Văn Quỳnh, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1923 tại bản Tổng Cọt, xã Cốc Đán. Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia du kích và giải phóng quân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, tham gia Tỉnh ủy Bắc Kạn và bắt đầu hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca”, được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông là một trong số ít người thành công trong việc dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc. Trong suốt 60 năm phấn đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ đất nước, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Nông Quốc Chấn đã cho ra đời hàng chục tập thơ, nhiều cuốn sách lý luận phê bình, nhiều bài nghiên cứu mang tính chuyên sâu về các vấn đề văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nói riêng.

Các tác phẩm của ông được tập hợp in trong cuốn “Tuyển tập Nông Quốc Chấn – Tác phẩm chọn lọc” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2017, với gần 2.290 trang sách, gồm các tác phẩm: Thơ, phê bình, tiểu luận, hồi ký được viết từ khi ông tham gia cách mạng đến năm 2002.

Bài thơ “Dọn về làng” của ông đã giành giải thưởng tại Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới họp ở Berlin (Đức) năm 1951. Một số bài thơ cách mạng và kháng chiến của ông được Hội Văn nghệ Việt Nam trao giải thưởng năm 1954, Hội Nhà văn trao giải thưởng năm 1958. Ông là một trong hai người dân tộc thiểu số được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Nhà văn Nông Minh Châu.

Nhà văn Nông Minh Châu.

Nhà văn Nông Minh Châu (1924 - 1979)

Nhà văn Nông Minh Châu sinh ngày 09/01/1924 tại bản Cò Luồng, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn. Ông tham gia đoàn thể Việt Minh từ tháng 9/1943. Nông Minh Châu đến với con đường văn chương trước hết bằng thơ, những sáng tác văn vần bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền, vận động nhân dân làm cách mạng.

Kháng chiến thắng lợi, tình hình cách mạng ở địa phương đã bước sang thời kỳ mới, ông chuyển hướng sang viết văn xuôi. Truyện ngắn đầu tiên của ông là “Ché Mèn đảy pay họp” (Ché Mèn được đi họp) được viết bằng tiếng Tày. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên viết văn xuôi, từ ký đến truyện ngắn, tiểu thuyết và là một trong những người đi đầu trong việc sáng tác bằng tiếng dân tộc trên cả phương diện văn xuôi và thơ. Ông được đánh giá là “một trong những người viết trường ca sớm nhất trong lịch sử văn học Việt Nam”. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông đó là: “Tung còn suối đàn” (Tập thơ in chung), “Tiếng chim gô” (Ký và truyện ngắn), “Muối lên rừng” (Tiểu thuyết) , “Cưa khửn đông” (truyện thơ trường thiên, thể thơ truyền thống của dân tộc Tày).

Bên cạnh việc sáng tác, ông còn dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu vốn văn hóa truyền thống các dân tộc trong khu vực Việt Bắc, nhất là nghiên cứu về Then. Giữa lúc tài năng đang chín muồi thì ông mắc bệnh hiểm nghèo và mất khi mới 56 tuổi.

Nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại.

Nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại.

Nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại

Nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại (tên thật là Nông Đình Hân), là em ruột Nhà thơ Nông Quốc Chấn, sinh ngày 26/4/1926. Ông được tuyên truyền vào Hội Việt Minh của xã từ năm 1942. Đến đầu năm 1945, ông bắt đầu thoát ly gia đình đi công tác. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông chủ yếu gắn bó với hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật.

Các sáng tác của tác giả Nông Viết Toại thể hiện sự đa dạng trong thể loại và phong phú trong cách thể hiện. Ông vừa viết văn xuôi, làm thơ, đặt lời cho các làn điệu dân ca, vừa sáng tác các bài tấu nói cho các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ bà con. Ông vừa sáng tác bằng tiếng Việt và tiếng Tày.

Các sáng tác bằng tiếng Tày của ông được bạn đọc đánh giá cao ở sự vận dụng tinh tế và độc đáo bản sắc, tiếng nói dân tộc vào trong tác phẩm. Ông đã để lại một gia tài văn chương không nhỏ, nhất là các sáng tác bằng tiếng Tày, về văn xuôi có: “Boỏng tàng tập éo” (1962), “Con đường Nam tiến” (1995 ); thơ có: “Rại lóa vít pây” (1956), “Kin ngày phuối khát” (1962), “Đét chang nâư” (1976), “Ngoảc đếnh” (2006). Ngoài ra, ông còn viết tiểu luận, ghi chép.

Việc sưu tầm vốn văn hóa văn nghệ dân gian cũng được ông dành nhiều tâm huyết. Ông đã cùng với Hà Vũ Khoanh (Ty Văn hóa Cao Bằng) dịch truyện thơ nôm Tày “Nam Kim – Thị Đan” sang tiếng Việt (xuất bản 1957); cộng tác cùng Nông Minh Châu, Lạc Dương, Vương Hùng sưu tầm và giới thiệu tục ngữ, ca dao, dân ca các tỉnh trong Khu tự trị Việt Bắc… Ông luôn đau đáu và đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Vì vậy, sau này khi đã về hưu, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn giành thời gian và tâm huyết để cùng nhóm biên soạn Lương Bèn, Lương Kim Dung, Lê Hương Giang cho ra đời cuốn “Từ điển Tày – Việt”.

Mảnh đất Cốc Đán, Thượng Quan của huyện Ngân Sơn rất đỗi tự hào đã sinh ra ba nhà thơ, nhà văn họ Nông. Với những đóng góp to lớn của ba ông cho sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật của đất nước, nhất là văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Tên tuổi, uy tín cùng các tác phẩm của các ông đã và sẽ tiếp tục làm rạng danh, tô thắm thêm vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của huyện Ngân Sơn và tỉnh Bắc Kạn. Đó là niềm tự hào, là nguồn tài nguyên vô giá trường tồn cùng quê hương cách mạng Ngân Sơn trên con đường đổi mới và phát triển./.

Ma Phương Tân

Xem thêm