Ngân Sơn tích cực triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 1

Năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trước tiên đưa vào giảng dạy Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới. Trên địa bàn huyện Ngân Sơn, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh đã và đang nỗ lực triển khai, học tập sách theo Chương trình giáo khoa lớp 1 mới.

Học sinh Trường Tiểu học Bằng Vân trong giờ học 
Học sinh Trường Tiểu học Bằng Vân trong giờ học.

Đồng chí Đàm Trung Thủy- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Để triển khai thực hiện Chương trình, ngoài việc, tuyên truyền, phổ biến, triển khai và ban hành đầy đủ các văn bản của cấp trên, huyện Ngân Sơn đã chuẩn bị cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng đảm bảo mỗi lớp, phòng học, có đủ bàn ghế cho giáo viên và học sinh. Sách giáo khoa được mua sắm đầy đủ đáp ứng trong dạy và học. Việc bố trí, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất đã được quan tâm và đầu tư. Năm học 2020 - 2021, toàn huyện có 102 giáo viên dạy lớp 1, cơ bản đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, so với yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình thì đội ngũ giáo viên thiếu, đặc biệt là môn Tiếng Anh, môn Tin học.

Về việc triển khai dạy và học theo chương trình, bộ sách giáo khoa Lớp 1 tại địa bàn huyện. Ngay đầu năm học đã triển khai dạy và học theo chương trình mới đối với lớp 1 với 47 lớp/589 học sinh, với 8 đầu sách được lựa chọn trong 3 bộ sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Về chất lượng và nội dung bộ sách giáo khoa do tỉnh lựa chọn phù hợp với địa phương, được sự đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh, chưa có sự phản ánh trái chiều. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình có những thuận lợi, khó khăn như: Cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 đều được tham gia tập huấn về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sử dụng sách giáo khoa.

Đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 được ưu tiên bố trí đủ ngay từ đầu năm học, các giáo viên đều nhiệt tình, chịu khó nghiên cứu và học hỏi. Giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc linh hoạt, sáng tạo sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các nội dung trong sách giáo khoa để đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những khó khăn nhất định. Về chương trình, sách giáo khoa: Đối với môn Tiếng Việt một số bài ở phần dạy âm còn dài (3 âm trong 1 bài) nên chưa thật sự phù hợp đối với học sinh lớp 1. Việc sắp xếp nội dung kiến thức cho phần dạy âm trong chương trình kết thúc hơi sớm, cần giãn thời gian và lượng kiến thức để đảm bảo tất cả mọi đối tượng học sinh đều tiếp thu được bài tại lớp. Đối với môn Toán kênh hình quá nhiều.

Về Kế hoạch giáo dục, thời khoá biểu, thực hiện chương trình mới nên giáo viên còn mất nhiều thời gian xây dựng kế hoạch giáo dục, lập thời khóa biểu để đảm bảo kiến thức dạy học 2 buổi/ngày. Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học chỉ đáp ứng được tối thiểu cho dạy và học, còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn để đáp ứng được việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Việc cung ứng thiết bị dạy học cho 5 trường tiểu học thuộc dự án vùng khó khăn hiện nay chưa được trang bị. Đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa tiếp cận chương trình và sách giáo khoa mới nên mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu; phương pháp dạy học, giáo viên chưa được tập huấn về phương pháp dạy học lớp 1 mới, vì Bộ GD&ĐT chưa triển khai tập huấn Mô đun 2. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều nên cũng phần nào khó khăn trong việc học tập, nhất là các em nhận thức chậm...

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, song nhìn chung sau những tháng đưa vào giảng dạy theo Chương trình sách giáo khoa mới, có thể thấy học sinh đã chủ động và phát huy sự tập trung; các trường ổn định nền nếp để yên tâm học tập và giảng dạy. Những vướng mắc, khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ, điều chỉnh khi đội ngũ cán bộ, giáo viên vẫn đang tiếp tục được bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục./.
 

Lý Dũng

Xem thêm