Ngân Sơn nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học, định hướng nghề cho học sinh

Thời gian qua, huyện Ngân Sơn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực trong việc phát triển hệ thống trường, lớp, kết hợp củng cố chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên các bậc học để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, định hướng nghề cho học sinh trên địa bàn huyện.

Nhờ được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các điểm trường vùng cao đảm bảo chỗ dạy và học cho con em vùng cao
Cơ sở vật chất tại được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy và học ở các điểm trường vùng cao huyện Ngân Sơn.

Đồng chí Đàm Trung Thủy- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, gần đây nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 của BCHTW Đảng "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học và nâng cao công tác định hướng nghề cho học sinh, huyện Ngân Sơn đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ, nhà giáo; thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá, phân loại; chế độ, chính sách, thi đua khen thưởng. Tham mưu rà soát, kiện toàn, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập; tăng cường sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn theo trường, cụm; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và xã hội quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; duy trì và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, công tác tư vấn học đường cho học sinh; tăng cường công tác nắm tình hình, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ.

Từ thực hiện các giải pháp trên, chất lượng giáo dục, chất lượng công tác hướng nghiệp của huyện nhà đã từng bước được nâng lên. Đến nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp học được phát triển, mở rộng loại hình và ngày càng được sắp xếp tinh gọn, phù hợp với thực tế địa phương. Số cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện có 33 trường, 03 nhóm trẻ tư thục và 01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Hằng năm, tỷ lệ huy động học sinh các cấp học đều đạt trên 98%; học sinh được công nhận hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp THCS đạt trên 99%. Tốt nghiệp THPT bình quân hằng năm đạt 90,30%, vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả đạt chuẩn Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong toàn huyện được duy trì và nâng cao. Đến nay, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (trong đó có 02 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3) và đã có 06/10 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cơ sở vật chất trường lớp học tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống trường bán trú. Đến nay toàn huyện có 04 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 03 trường so với 5 năm trước. Bên cạnh đó, số học sinh được tư vấn hướng nghiệp đi học các trường nghề, trung cấp nghề nghiệp ngày càng tăng.

Để nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, nâng cao công tác hướng nghiệp nghề cho học sinh trong thời gian tới, huyện Ngân Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, phong trào thi đua do cấp, ngành phát động. Nâng cao tinh thần trách nhiện, phẩm chất, đạo đức nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học; xây dựng thêm trường đạt chuẩn quốc gia. Mua sắm trang, thiết bị, bố trí đủ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các cơ sở đào tạo tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh./.
 

Lý Dũng

Xem thêm