Ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
Theo các đại biểu Quốc hội, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng, cần nghiên cứu luật hóa nhằm ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng như: tư vấn không đầy đủ; ép mua bảo hiểm…

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/01, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Cân nhắc về việc bỏ quy định thu giữ tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu

Đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Theo đại biểu, tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo công tác xử lý nợ xấu có cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: QH.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: QH.

Do đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, do các tổ chức tín dụng muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng, việc này được thể hiện ở văn bản thỏa thuận giữa hai bên.

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, trên thực tế việc thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được do bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn, thư khiếu kiện, Cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ chối thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản. Đồng thời, các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ tài sản sau khi thu giữ. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan cũng như việc thượng tôn pháp luật, cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng, việc duy trì cơ chế chính sách theo Nghị quyết 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết; vì vậy cần phải xem xét bởi vì việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 để đảm bảo là quyền lợi chung mang tính xã hội nhiều hơn.

Cần luật hóa việc xử lý nhân viên của các tổ chức tín dụng ép người dân mua bảo hiểm

Góp ý vào Điều 10 của dự thảo luật, đề cập đến trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật khác, tuy nhiên để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng cần nghiên cứu luật hóa để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng như: Việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng như các phương tiện thông tin đã phản ánh thời gian qua.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: QH.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: QH.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu thực tế, tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua.

Đồng thời, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Nhấn mạnh hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng rồi các ngân hàng vốn không có trụ sở bảo hiểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ quan điểm không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…

Một số ý kiến đề nghị cần phải luật hóa việc xử lý đối với các hành vi vi phạm với nhân viên của các tổ chức tín dụng, ngân hàng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng…/.

Xem thêm