Nâng cao ý thức phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Na Rì đang diễn biến phức tạp với một số ổ dịch mới được công bố. Bên cạnh sự vào cuộc của cấp, ngành chức năng rất cần người dân nâng cao ý thức trong phòng và dập dịch.
Các lực lượng phối hợp đào hố tiêu hủy lợn bị bệnh tại xã Cư Lễ.

Các lực lượng phối hợp đào hố tiêu hủy lợn bị bệnh tại xã Cư Lễ.

Khi có 1 con lợn bị chết và những con khác trong đàn có dấu hiệu bỏ ăn, sốt, ông Bàn Văn Chìu, ở thôn Pò Pái, xã Cư Lễ đã báo cho chính quyền địa phương lấy mẫu bệnh phẩm. Khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, gia đình nhất trí cho tiêu hủy toàn bộ đàn lợn.

Ông Chìu cho biết: "Qua tuyên truyền của huyện và xã, gia đình tôi biết rõ về mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, khi phát hiện lợn của nhà mình mắc bệnh đã nhanh chóng báo cáo và đồng ý tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, gia đình tôi là hộ nghèo, ít vốn làm ăn nên việc tiêu hủy sẽ gây khó khăn, rất mong nhận được hỗ trợ của Nhà nước để tái chăn nuôi khi dịch bệnh qua đi".

Khi dịch xuất hiện trên địa bàn, xã Cư Lễ đã huy động lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn bệnh bảo đảm yêu cầu phòng dịch; xây dựng 1 điểm phun khử khuẩn ở đầu ngõ hộ có lợn nhiễm bệnh và thực hiện phun khử trùng tiêu độc theo quy định ở vùng có dịch. Đối với những hộ dân trong thôn, chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch như: Phun khử trùng tiêu độc, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, không tái đàn, xuất bán lợn trong vùng dịch.

Chị Lường Thị Quế, công chức Địa chính - Nông nghiệp xã Cư Lễ cho biết: Ngay từ khi xã là vùng uy hiếp, địa phương đã tích cực tuyên truyền cho các hộ nêu cao tinh thần cảnh giác với dịch bệnh. Dịch xuất hiện trên đàn lợn, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cùng nhau ngăn chặn và đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi. Nhiều hộ dù đã chủ động mua vôi, phun hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan sang đàn lợn nhà mình.

Hiện nay, huyện Na Rì đã có 6 xã bùng phát dịch tả lợn châu Phi, gồm: Trần Phú, Liêm Thủy, Cư Lễ, Dương Sơn, Cường Lợi và Văn Vũ. Tính đến ngày 08/9, có 134 con lợn với trọng lượng hơn 4,2 tấn của 31 hộ dân ở 16 thôn bị tiêu hủy. Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi là không nhỏ đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Do đó, công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm tránh tâm lý "bán chạy" để gỡ vốn của các hộ chăn nuôi.

Nếu không kiểm soát chặt chẽ, tình trạng này sẽ là nguyên nhân khiến dịch lây lan mạnh hơn. Thực tế giai đoạn đầu của dịch, một số hộ dân ở xã Trần Phú có lợn bị mắc bệnh nhưng không báo kịp thời cho thôn và chính quyền địa phương.

Huyện Na Rì đã chỉ đạo các cấp chính quyền cùng vào cuộc, phối hợp với các hội đoàn thể để tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Đặc biệt, chỉ đạo các địa phương sát sao trong việc thống kê, báo cáo biến động đàn lợn để có phương án kiểm soát dịch hiệu quả.

Diễn biến dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Na Rì ngày càng phức tạp khi số địa phương có lợn nhiễm bệnh tăng nhanh. Tuy nhiên cũng có xã như: Cư Lễ, Dương Sơn chỉ xuất hiện lợn mắc bệnh ở 01 hộ dân và đã duy trì nhiều ngày không có ca bệnh mới. Trong đợt dịch cách nay hơn 1 năm, huyện Na Rì cũng có xã không bùng dịch. Điều này cho thấy nếu thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trong đó có tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân sẽ giúp tạo “lá chắn” hiệu quả đối với việc ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh trên đàn lợn./.

Xem thêm