Nâng cao chất lượng dự tính, dự báo sinh vật hại cây trồng

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Việc nhận định, đưa ra những dự báo kịp thời, chính xác về tình hình sinh vật hại cây trồng sẽ giúp người dân chủ động các biện pháp phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại, nâng cao năng suất cây trồng.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng giống lúa tại huyện Chợ Đồn

Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng giống lúa tại huyện Chợ Đồn

Hằng năm Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành phương án phòng trừ sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính, phương án phòng trừ sinh vật gây hại cho cả 3 vụ (vụ xuân, vụ mùa và vụ đông), tổng hợp báo cáo hằng tuần để gửi ngành cấp trên và các cơ quan liên quan nắm bắt có biện pháp ngăn chặn các loại sâu bệnh hại, do vậy 05 năm trở lại trên địa bàn không có dịch bệnh trên cây trồng bùng phát diện rộng.

Chi cục cũng phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tiến hành điều tra bổ sung trước, trong và sau các đợt cao điểm sâu bệnh. Phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây nông nghiệp, lâm nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ. Ban hành thành văn bản để thông báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ.

Bà Vũ Thị Bích Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chợ Mới cho biết: “Công tác điều tra tình hình sinh vật gây hại được đơn vị tiến hành mỗi tuần, nhất là vào giai đoạn quan trọng của cây trồng, thời kỳ nắng mưa thất thường để đưa ra những dự báo chính xác”. Thời điểm này, tại huyện Chợ Mới đang xuất hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn gây hại trên cây lúa, trung tâm đã đưa ra các biện pháp để hướng dẫn nông dân chủ động xử lý.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng kiểm tra sâu bệnh hại tại cánh đồng xã Vi Hương (Bạch Thông).

Cán bộ Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng kiểm tra sâu bệnh hại tại cánh đồng xã Vi Hương (Bạch Thông).

Công tác dự tính, dự báo chính xác dựa trên các yếu tố phân tích số liệu điều tra đồng ruộng (gồm tình trạng cây trồng, tình trạng sinh vật gây hại và sinh vật có ích, các yếu tố liên quan khác) kết hợp với đặc điểm của từng loài sinh vật gây hại, dữ liệu lịch sử và xu thế thời tiết kết hợp với các công cụ hỗ trợ…Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết ngày càng bất thường, việc sử dụng một số giống cây trồng không rõ nguồn gốc thì mối nguy dịch bệnh gia tăng đột biến cả về số lượng, diện tích, mức độ gây hại, vượt quá khả năng kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong trường hợp này, Chi cục sẽ tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, sử dụng các biện pháp để tập trung dập dịch. Trên thực tế, những năm qua, Chi cục đã tham mưu trình UBND tỉnh công bố dịch trên địa bàn như: Quyết định công bố dịch châu chấu tre lưng vàng hại rừng vầu, nứa và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn huyện Ngân Sơn, Na Rì năm 2017; công bố dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa.

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng, dự tính dự báo sinh vật hại cây trồng, Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản chỉ đạo về phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; trình UBND tỉnh phương án dập dịch, quyết định công bố dịch, quyết định công bố hết dịch hại trên cây trồng (nếu có). Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền diễn biến của thời tiết, tình hình phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, biện pháp phòng trừ, tuyên truyền cho người dân sử dụng các giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để hạn chế sinh vật gây hại. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại, nhận định chính xác khả năng phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của đối tượng dịch hại chủ yếu. Hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp canh tác hữu cơ để nâng cao chất lượng cây trồng”./.

tỉnh, các đơn vị trực thuộc sở NN

Xem thêm