Nam Mẫu phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống

Xã Nam Mẫu nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể. Nhiều thôn bản quây quần ven hồ với những nếp nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày nơi đây. Nét văn hóa truyền thống như hát Then, đàn Tính... trở thành điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương và người dân đang quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch bền vững.

Xã Nam Mẫu nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể. Nhiều thôn bản quây quần ven hồ với những nếp nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày nơi đây. Nét văn hóa truyền thống như hát Then, đàn Tính... trở thành điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương và người dân đang quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch bền vững.

Bản Pác Ngòi với rất nhiều ngôi nhà sàn truyền thống tuy nhiên một số hộ đã phá bỏ nhà sàn xây để xây nhà xây
Một góc thôn Pác Ngòi.

Ông Ngôn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu chia sẻ: Để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên phải xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: Văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế.

Người Tày ở Nam Mẫu hiện vẫn duy trì các điệu múa, làn điệu hát Then, được đông đảo du khách đánh giá cao về văn hóa truyền thống. Vấn đề môi trường được người dân và du khách bảo vệ và giữ gìn rất tốt. Các hộ dân không nuôi gia cầm, gia súc quanh nhà, không xả rác bừa bãi, tích cực bảo vệ rừng, giữ gìn cảnh quan và nguồn nước. Kinh tế - xã hội phát triển, không còn các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là các dịch vụ du lịch như lưu trú, ẩm thực, dịch vụ vận tải bằng xuồng máy từng bước được mở rộng và đa dạng. Hiện nay toàn xã có 54 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, 7 đội văn nghệ và 186 xuồng chở khách.

Du lịch vùng hồ Ba Bể với lợi thế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân, góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia các chuỗi du lịch. Khách du lịch được trải nghiệm những hoạt động quen thuộc của người địa phương. Đây là cách làm du lịch bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, văn hoá của vùng đồng bào dân tộc, coi trọng vai trò cộng đồng, tránh sự mai một giá trị truyền thống. Nhờ phát triển du lịch, nhiều di sản văn được bảo tồn như hát Then, đàn Tính... 

Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng có một số tác động tiêu cực đến hệ thống các di sản văn hóa như: Xu hướng “thương mại hóa” ngày càng tăng, phải cải biến một số đồ dùng, sân khấu hóa việc trình diễn; lượng khách tăng cao làm quá tải khả năng đáp ứng của địa phương, tác động đến môi trường sinh thái và nếp sống văn hóa của người dân; phát triển du lịch cộng đồng với tầm nhìn ngắn hạn, thiếu sự liên kết; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng...

Người dân thôn Bó Lù phát triển kinh tế từ du lịch
Người dân thôn Bó Lù phát triển kinh tế từ du lịch.

Xã Nam Mẫu có 3 thôn vùng thấp tham gia kinh doanh du lịch gồm: Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, chủ yếu các hộ làm du lịch và bảo tồn khoảng 40 nhà sàn truyền thống. Nhờ phát triển du lịch mà nhiều ngôi nhà sàn được đầu tư sửa chữa. Tuy nhiên, để cạnh tranh với nhà xây để làm du lịch thì nhà sàn có nhiều điểm hạn chế, rất cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ.

Người dân các thôn mong muốn được Nhà nước hỗ trợ bảo tồn nhà sàn truyền thống để làm du lịch, mở các lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch, thiết kế mẫu thuyền phục vụ chở khách mới, sớm đầu tư đường quanh hồ, thay thế cầu treo Pác Ngòi thành cầu bê tông để du khách đi xe đến các bản vùng thấp, đến được động Hua Mạ, xây dựng bến xuồng xứng tầm để phục vụ khách du lịch, mở tuyến xe điện, bổ sung biển chỉ dẫn, tăng cường công tác vệ sinh vùng hồ, đầu tư hạ tầng xứng tầm cho du lịch Ba Bể...

Những hạn chế trong quản lý và đầu tư phát triển du lịch tại đây dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn trong giải quyết các vấn đề xã hội, cần xã hội hóa quản lý dịch vụ du lịch./.

Trần Tuyến

Xem thêm