Khu Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) vừa được tôn tạo lại khang trang với nguồn vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Công trình mới được khánh thành, xứng tầm ý nghĩa lịch sử và là điểm đến ý nghĩa cho tuổi trẻ cả nước trong hành trình về nguồn...
Lịch sử hình thành Khu di tích Nà Tu
Nà Tu là tên gọi của một bản thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông nằm dọc Quốc lộ 3. Trong những năm kháng chiến Nà Tu là nơi đơn vị Thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù trên đường từ Bắc Kạn đi Cao Bằng. Ngày 28/3/1951 tại khu rừng Nà Tu, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù.
Sau khi hỏi thăm ân cần Bác Hồ đã nhắc nhở toàn thể cán bộ và đội viên thanh niên xung phong phải có kế hoạch làm việc, đồng thời tổ chức tốt việc thi đua để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Tại đây Bác đã đọc tặng Phân đội Thanh niên xung phong 312 bốn câu thơ: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.
![]() |
Nhà trưng bày của Khu Di tích Nà Tu được xây dựng khang trang |
Từ sau khi được Bác Hồ đến thăm, Phân đội Thanh niên xung phong đã dấy lên một phong trào thi đua sôi nổi, toàn phân đội ngày đêm vật lộn với mưa lũ, không sợ hiểm nguy chiến đấu với máy bay địch bảo vệ cầu đường giữ vững mạch máu giao thông thông suốt cho Chiến khu Việt Bắc. Sự kiện Bác Hồ đến thăm Phân đội Thanh niên xung phong 312 tại Nà Tu là nguồn động viên to lớn đối với các chiến sĩ trên mặt trận bảo đảm giao thông. Bốn câu thơ của Bác đã trở thành niềm tin và phương châm hành động cho thế hệ trẻ Việt Nam củng cố quyết tâm góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Nà Tu là di tích có giá trị về lịch sử kháng chiến, để lưu giữ cho đời sau về tinh thần yêu nước của dân tộc ta nói chung và của nhân dân tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1996 UBND xã Cẩm Giàng và UBND huyện Bạch Thông đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hoá Thông tin (cũ) đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia cho Di tích lịch sử cách mạng Nà Tu. Ngày 18/3/1996 Bộ Văn hoá Thông tin đã quyết định công nhận Nà Tu là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Quá trình xây dựng khu di tích
Từ năm 1996 đến năm 1997 Khu Di tích lịch sử Nà Tu được đầu tư xây dựng, tuy nhiên do điều kiện khách quan nên di tích chỉ được xây dựng trên diện tích đất là 168 m2 trong tổng diện tích của khu đất là 418 m2. Quy mô xây dựng bao gồm các hạng mục: cổng, tường rào, bức tường ghi bốn câu thơ và bia tưởng niệm nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với toàn thể cán bộ, đội viên Phân đội Thanh niên xung phong 312. Từ khi được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nà Tu đã diễn ra nhiều hoạt động giáo dục truyền thống của tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ tỉnh Bắc Kạn nói riêng.
![]() |
Bia dẫn tích bốn câu thơ của Bác Hồ được xây dựng trong khuôn viên của di tích |
Để Nà Tu xứng tầm Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia và để ghi dấu nơi ra đời bốn câu thơ bất hủ của Bác Hồ, Thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn tôn tạo Di tích lịch sử cách mạng Nà Tu với kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng. Về phía tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương lập và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình. Theo đó, Khu Di tích Nà Tu được tôn tạo lại trên diện tích đất cũ của di tích và mở rộng thêm về xung quanh, do vậy diện tích hiện tại của di tích là 4.751 m2- rộng hơn 11 lần diện tích đất cũ. Ba hạng mục của công trình đã xây dựng trước đây đều được phá dỡ để xây dựng các hạng mục mới hơn, quy mô hơn, bao gồm: nền và đường vào khu di tích, cổng chính, nhà đón tiếp, nhà trưng bày, nhà tưởng niệm, bia dẫn tích, sân hành lễ, bãi đỗ xe... Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 7/8/2009 với tổng mức đầu tư là hơn 6 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các ngành, địa phương liên quan đã có nhiều nỗ lực. Sau 13 tháng kể từ ngày khởi công, công trình được xây dựng hoàn thành vào ngày 15/9/2010 và được đưa vào khai thác sử dụng ngày 23/2/2011. Đến nay nhà trưng bày của Khu Di tích lịch sử Nà Tu cũng đã nhận được nhiều hiện vật có giá trị do các tổ chức, cá nhân trao tặng.
Khu Di tích lịch sử Nà Tu đã được đầu tư xây dựng khang trang, trở thành nơi diễn ra các hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân nói chung, các thế hệ tuổi trẻ nói riêng. Khu Di tích Nà Tu được hoàn thành còn mang một ý nghĩa cho tình đoàn kết hữu nghị giữa Thành phố Hà Nội với tỉnh Bắc Kạn trên chặng đường hợp tác, xây dựng và phát triển, đây cũng là công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội./.