Những năm gần đây, việc phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Na Rì luôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi bà con nhân dân đi lại, giao lưu hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương.
Xác định giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao dân trí và khai thác tối đa các thế mạnh, tiềm năng của địa phương.
Trong nhưng năm qua, huyện Na Rì đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung các nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông, nhất là về giao thông nông thôn ở các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
![]() |
Bê tông hóa đường vào thôn Bản Cuôn, xã Lương Thành (Na Rì) |
Với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, nhiều dự án , công trình đã đang được triển khai và nhiều công trình hoàn thành đưa vào sửa dụng.
Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, riêng nguồn vốn Chương trình 135 huyện Na Rì đã được đầu tư gần 31 tỷ đồng để mở mới 32 tuyến đường vào thôn bản, nâng cấp gần 45 km đường và 6 công trình cầu cống. Ngoài ra, từ các nguồn vốn khác huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng rải nhựa các tuyến đường liên xã như: Quang Phong-Đổng xã, Cư Lễ-Văn Minh…
Với việc quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, đến nay 100% số xã trên địa bàn huyện Na Rì đã có đường ô tô đến trung tâm, 233/233 thôn bản có đường ô tô, xe máy đến được trung tâm thôn.
Cùng với việc đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn ở các xã, thôn bản, hằng huyện thường xuyên phát động nhân dân thực hiện tốt việc duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn để đi lại thuận tiện. Nhiều địa phương tích cực làm tốt phong trào này như các xã Quang Phong, Đổng Xá, Vũ Loan, Dương Sơn…
Do làm tốt công tác giao thông nông thôn nên việc đi lại, giao lưu hàng hóa của người dân ở các xã vùng cao này đã có nhiều thuận lợi, đời sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Tư thương vào tận các thôn, bản để trao đổi hàng hóa, thu mua nông sản của địa phương.
Có thể nói, từ việc phát triển giao thông nông thôn ở huyện Na Rì đã có tác động lớn đến việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trên cơ sở giao thông đã hình thành, ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ thương mại, vận tải hàng hóa… từng bước góp phần đưa nền kinh tế của huyện có những bước tiến mới./.