Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế cao ở Na Rì những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ vẫn đang là bài toán khó.
Chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả, mô hình cam Xã Đoài của hộ ông Hoàng Văn Vy, thôn Pác Ban, xã Văn Minh đã cho thu hoạch năm thứ 2. |
Nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế cao, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, huyện Na Rì đã và đang phát huy lợi thế của địa phương để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng việc chuyển đổi cây trồng như: Cây ăn quả, dong riềng và một số loại cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với địa phương; việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô cũng tăng đáng kể, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Năm 2016, toàn huyện chuyển đổi được trên 380 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, ngô và một số loại cây trồng khác, trong đó: Chuyển đất 1 vụ được trên 292,4 ha, đất 2 vụ là 87,83 ha sang trồng ngô giống mới, năng suất, hiệu quả kinh tế cao; trồng đậu tương, lạc, thuốc lá, dong riềng, đậu đỗ các loại, cây ăn quả, nuôi thủy sản; năm 2017, chuyển đổi được trên 600 ha sang trồng ngô, đậu tương, dong riềng, thuốc lá, lạc, đậu đỗ, rau màu, cây ăn quả các loại; năm 2018, chỉ tính trong những tháng đầu năm, toàn huyện đã có trên 300 lượt hộ chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lúa sang trồng cây ăn quả. Đến nay, Na Rì đã có hàng trăm héc-ta cây ăn quả, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, trong đó, chủ yếu là cam, quýt, bưởi. Việc phát triển cây ăn quả đã và đang được người nông dân hướng tới sản xuất đầu tư quy trình chăm sóc có khoa học, cải tạo theo quy trình an toàn hữu cơ, thay thế dần vườn ăn quả già cỗi, năng suất thấp. Hiện nay, huyện đã quy hoạch được vùng trồng cam, quýt tại các xã Kim Lư, Lương Hạ, Văn Minh, Cường Lợi, Liêm Thủy... Được các cấp, ngành chuyên môn nhận định đất đai, khí hậu ở Na Rì phù hợp với cây ăn quả, năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng cam Xã Đoài” tại xã Lam Sơn và xã Văn Minh, với diện tích thử nghiệm 3ha. Kết quả, cây phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, đất đai của địa phương, giá trị kinh tế đạt khoảng trên 150 triệu đồng/ha.
Bên cạnh cây ăn quả là cây dong riềng, là một trong những loại cây trồng chủ lực giúp nhân dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Năm 2016, toàn huyện trồng được hơn 270ha; năm 2017, hơn 450ha; năm 2018, tăng lên 500ha. Năng suất dong củ năm 2017 đạt trung bình 70 tấn/ha, sản lượng củ ước đạt trên 31.780 tấn. Hai năm trở lại đây, trồng dong riềng được người dân thực hiện lên luống, với những diện tích thực hiện theo cách này, năng suất đạt hơn 85 tấn/ha, cao hơn 15 tấn so với canh tác truyền thống, đem lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần cấy lúa. Mỗi héc ta trồng dong riềng ước tính cho thu nhập khoảng 140 - 150 triệu đồng. Năm 2017, toàn huyện thu về khoảng 40 tỷ đồng tiền bán dong củ. Ngoài việc chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng củ, huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ, đầu tư phát triển các cơ sở chế biến tinh bột, sản xuất miến dong, gắn với phát triển thương hiệu, nâng chất lượng, giá trị sản phẩm, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng miến đạt 500 tấn.
Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vẫn là bài toán khó
Có thể thấy, ngoài sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước để người dân tham gia trồng cây ăn quả theo dự án, thì nhiều hộ dân đã chủ động cải tạo đất để trồng cây giá trị kinh tế cao, tạo thành phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình.
Chế biến hết lượng tinh bột dong để sản xuất ra miến, nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất hàng hóa là vấn đề huyện Na Rì quan tâm hiện nay. |
Ông Đinh Duy Lý- Giám đốc Hợp tác xã trồng cây ăn quả xã Lương Hạ trăn trở về việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam, quýt của gia đình cũng như các thành viên trong hợp tác xã chưa ổn định, bền vững. Trên thực tế, sản phẩm hằng năm của gia đình ông và các thành viên HTX vẫn chỉ bán nhỏ lẻ ở địa phương là chính, chưa có đơn vị bao tiêu để vươn ra thị trường các tỉnh, thành phố khác. Việc tiêu thụ trên 15 tấn quả chật vật, chưa kể vài năm nữa số diện tích cho thu hoạch quả tăng lên thì khó khăn lớn hơn.
Na Rì phấn đấu đến năm 2020 có trên 500ha cây ăn quả, trong đó có hơn 200ha cây ăn quả có múi. Huyện cũng lo ngại việc mở rộng diện tích cây ăn quả còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không gắn với chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác quản lý chất lượng. Thời gian qua, việc tiêu thụ cây ăn quả còn chịu nhiều áp lực về thị trường, đặc biệt là vào thời điểm chính vụ. Bên cạnh đó, năng lực đầu tư thâm canh của người dân còn hạn chế, năng suất không ổn định, chất lượng chưa đồng đều dẫn đến khó tiếp cận được với đơn vị bao tiêu sản phẩm. Còn đối với sản phẩm dong riềng, các cơ sở vẫn thường thiếu vốn lưu động để thu mua, chế biến, nhiều xưởng do phải vay vốn để thu mua nên hằng năm sau khi chế biến ra tinh bột không thể tích trữ lượng bột được lâu do phải bán để thu hồi vốn. Đây là vấn đề cần quan tâm chỉ đạo để có thể chế biến hết lượng tinh bột sản xuất ra miến, nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất hàng hóa...
Những năm tiếp theo, Na Rì xác định tiếp tục tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, đi đôi với tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, mời gọi đối tác trong và ngoài tỉnh tiêu thụ tập trung vào sản phẩm hàng hóa cây ăn quả cam, quýt, miến dong, phát triển các sản phẩm theo quy trình nông nghiệp sạch, VietGap nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần tích cực trong nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân./.
Tùng Vân