Mùa xuân trải nghiệm du lịch ở Pác Nặm

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Với cảnh sắc thiên nhiên độc đáo đặc trưng của vùng Đông Bắc cùng với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tiềm năng khai thác du lịch của huyện Pác Nặm đang mở ra nhiều thuận lợi lớn đối với người dân thông qua các loại hình du lịch khám phá và trải nghiệm. Mùa xuân về cùng bao hy vọng cho du lịch Pác Nặm vươn xa.
Mù Là thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh được ví như Sa Pa thứ hai thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.

Mù Là thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh được ví như Sa Pa thứ hai thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.

Với tiềm năng thế mạnh về tự nhiên như đồi núi, sông suối, khí hậu trong lành hầu hết chưa chịu tác động từ bên ngoài. Cộng thêm có vị trí tiếp giáp với hai tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang, nên huyện Pác Nặm có lợi thế lớn trong việc liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch. Những nét văn hóa đặc trưng riêng của mỗi cộng đồng dân tộc, đây chính là tiềm năng quan trọng để huyện phát triển các loại hình du lịch văn hóa, trải nghiệm.

Thời gian qua, huyện Pác Nặm đã chú trọng xây dựng một số mô hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững dựa vào cộng đồng, xây dựng các cơ sở lưu trú phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch, đồng thời khuyến khích các hộ dân ở một số thôn như Cọn Luông, Thôm Mèo, xã Xuân La; Nà Lẩy, Khâu Đấng, xã Bộc Bố nâng cấp nhà ở, đầu tư trang thiết bị để cung cấp dịch vụ lưu trú qua đêm…

Khu vực Mù Là, thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, đặc biệt là khách du lịch yêu thích khám phá thiên nhiên và trải nghiệm nét đẹp vùng cao. Nắm bắt được xu thế này, nhiều hộ đồng bào Mông ở đây đã từng bước bắt tay làm du lịch, biến nhiều khu vực đồi hoang thành những địa điểm check-in lý tưởng và đầu tư dịch vụ cho thuê trang phục chụp ảnh, ăn uống.

Trải nghiệm mùa lúa vàng ở xã Công Bằng.

Trải nghiệm mùa lúa vàng ở xã Công Bằng.

Với sự nhạy bén nắm bắt nhu cầu, sở thích của du khách và ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm gia đình anh Lý Văn Minh, dân tộc Mông thôn Lủng Phặc đã khai phá, cải tạo diện tích khoảng 8.000m2 đất đồi trồng các loại hoa theo mùa để phục vụ du khách, ý tưởng của anh trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng các chòi để nghỉ dưỡng, kèm theo dịch vụ ăn uống tạo nguồn thu nhập cho gia đình và bà con trong thôn phát triển du lịch.

Anh Minh chia sẻ: “Khu đồi này trước đây bỏ hoang, thấy khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nên tôi nảy sinh ý tưởng khai phá để trồng hoa. Năm qua trừ chi phí gia đình cũng thu được hơn 30 triệu đồng. Hiện nay tôi mới chỉ giới thiệu trên ứng dụng Facebook, Zalo cũng có khá nhiều du khách đến tham quan, gia đình tôi và các hộ vừa gieo tiếp một số giống hoa để kịp cho du khách trải nghiệm trong mùa xuân này”.

Du khách đến với thôn Khâu Đấng được trải nghiệm công việc se lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Sán Chỉ.

Du khách đến với thôn Khâu Đấng được trải nghiệm công việc se lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Sán Chỉ.

Còn tại các thôn Khâu Đấng, Nà Lẩy thuộc xã Bộc Bố, đến nay một số hộ đồng bào dân tộc Sán Chỉ đã nhận thức được lợi ích của phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như giữ gìn bản sắc văn hóa trong phong tục cấp sắc, nghề se lanh dệt vải, điệu múa mặt nạ Ka đong… Chị Hoàng Thị Mộng, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Đấng là người tiên phong trong thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chỉnh trang nhà cửa, khôi phục nghề dệt và tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay Khâu Đấng là một trong những địa điểm được du khách yêu thích mỗi khi đến Bộc Bố để tham quan, trải nghiệm cuộc sống cùng đồng bào.

Chị Hoàng Thị Mộng cho biết: Hiện nay đồng bào Sán Chỉ trên địa bàn huyện chiếm số ít so với các dân tộc khác, tuy nhiên bà con vẫn giữ được những nét văn hóa rất đặc trưng như trang phục truyền thống và các nghi thức của đồng bào, đối với gia đình chị vẫn còn giữ được nghề se lanh dệt vải để làm những bộ quần áo mặc hằng ngày và các dịp lễ, Tết, đồng thời sử dụng làm sản phẩm du lịch thu hút sự khám phá của du khách.

Tại xã An Thắng thời gian qua, người dân địa phương cũng đã bắt tay làm du lịch trải nghiệm thông qua việc trồng thêm diện tích cây sim vào các khu vực đồi sim mọc tự nhiên để tạo thành những đồi sim rực rỡ. Ngoài ra bà con ở đây còn xây dựng các điểm để chụp ảnh, cắm trại dã ngoại. Hiện nay khu vực đồi sim của xã đã được đưa vào địa điểm khai thác du lịch trải nghiệm…

Những bộ trang phục rực rỡ của đồng bào Sán Chỉ ở Pác Nặm.

Những bộ trang phục rực rỡ của đồng bào Sán Chỉ ở Pác Nặm.

Đồng chí Đào Duy Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư về du lịch. Đến nay huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch đồng thời triển khai công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và đầu tư một số hạng mục, tạo môi trường tốt nhất để phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc. Huyện cũng khuyến khích người dân làm du lịch và quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Pác Nặm trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng mạng xã hội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện với những bước phát triển bền vững.../.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm