Một ngày ở Nặm Tốc

Ghi chép của Bích Phượng

Có những cung đường mấp mô đá, có những con người ít nói mà tấm lòng rộng mở, có nụ cười và ánh mắt lấp lánh của những đứa trẻ với mái tóc khét nắng…, hơn tất cả là những mong muốn, khát khao về một ngày mai đổi thay của người dân thôn Nặm Tốc, xã Đôn Phong (Bạch Thông).

Đường vào Nặm Tốc đã xuống cấp, nhiều đoạn dốc đá đi lại rất khó khăn.
Đường vào Nặm Tốc đã xuống cấp, nhiều đoạn dốc đá đi lại rất khó khăn.

Sau nhiều lần hỏi đường và vượt qua quãng đường dốc đá, chúng tôi mới đến được thôn vùng cao Nặm Tốc. Là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Đôn Phong, Nặm Tốc là nơi sinh sống của 42 hộ dân với 210 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Dao Đỏ. Hiện nay, thôn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, dân cư thưa thớt, nhà cách nhà rất xa…

Men theo con đường chỉ vừa đủ một chiếc xe máy đi lại, chúng tôi đến gặp anh Triệu Văn Pu- Bí thư Chi bộ thôn Nặm Tốc. Được biết, từ đầu những năm 1990, đồng bào dân tộc Dao từ tỉnh Cao Bằng đã đến đây sinh sống. Những năm tháng đó muôn vàn gian nan vất vả, bà con trong thôn phải gùi thóc, ngô, men theo đường rừng gần 6km sang xã Rã Bản (nay là xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn) để bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm.

“Lúc ấy, 100% các hộ dân trong thôn thuộc hộ nghèo. Mỗi lần xã triển khai việc gì tôi đều đi bộ lội bùn đất ra ngoài ấy để nghe, rồi lại đến từng nhà thông báo cho người dân đi họp. Đến năm 2014, đường vào thôn được mở mới có những chiếc xe máy đầu tiên, từ đây cuộc sống đã có những đổi thay tích cực. Thôn đã được hỗ trợ làm công trình nước sạch và nhà văn hóa. Bà con biết trồng dong riềng, tìm măng để bán có thêm thu nhập chứ không tự cung, tự cấp như trước. Tuy nhiên, hiện nay thôn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đường đi lại xuống cấp, toàn thôn vẫn còn 36/42 hộ nghèo…”, anh Pu chia sẻ.

Măng là một trong những nguồn thu nhập của người dân ở Nặm Tốc
Măng là một trong những nguồn thu nhập của người dân ở Nặm Tốc.

Nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, Nặm Tốc dường như tách biệt với cuộc sống hối hả, dù nơi đây chỉ cách thành phố Bắc Kạn 25km. Trẻ con ở đây không biết đến điện thoại, tivi vì đến nay thôn vẫn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Mỗi khi có việc, anh Pu vẫn phải đến từng nhà để thông báo.

Dọc đường đến Nặm Tốc, rất nhiều khe nước nhỏ được người dân tận dụng để bảo quản măng tươi, tuy nhiên vì chưa có công trình thủy lợi nên đến mùa khô thiếu nước, ruộng chỉ có thể canh tác một vụ. Theo anh Pu, người dân trong thôn đã thử trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng do thiếu kiến thức và điều kiện tự nhiên không phù hợp nên đều chưa thành công. Cả thôn có khoảng 7ha đất ruộng một vụ, gần 70 con trâu, ngoài ra người dân còn trồng ngô nương và gần 2ha dong riềng.                            

Bước đến ngôi nhà xây hiếm hoi ở Nặm Tốc, chúng tôi gặp chị Bàn Thị Khé. Chị sinh năm 1995, nay đã có 3 cô con gái. Trong căn nhà mới xây năm 2019, chị chia sẻ: Khi làm nhà, không có gỗ nên phải xây, anh em hàng xóm mỗi người góp một ít, từ tiền cho đến vật liệu, sau này họ làm thì mình phải trả. Nhà tôi là ngôi nhà xây thứ hai ở thôn, có nhà ở nhưng phải lo nhiều lắm, không trông vào mỗi lúa, ngô, dong riềng như trước được nên chồng tôi đi làm công nhân để kiếm thêm tiền. Ở đây nhà nào cũng vậy, làm ruộng lấy gạo ăn cả năm, trồng ngô, nuôi thêm vài con gà, con lợn. Muốn có thêm thu nhập thì trồng dong riềng đến tháng 10 thu hoạch, trung bình trồng 01 bung sẽ thu về gần 10 triệu đồng. Mùa măng thì đi tìm về bán, nếu biết đi xe máy chở ra bản ngoài sẽ bán được giá 7.000 đồng/kg. Những năm gần đây, người dân trong thôn đã biết đi tìm việc ở xa, nhờ đó đời sống cũng có những đổi thay tích cực".

Dù đời sống còn nhiều khó khăn, người dân Nặm Tốc luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Những năm gần đây, 100% trẻ em trong thôn đều đến trường đầy đủ, không bỏ học giữa chừng. Các hộ dân đều chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, thôn vẫn giữ được nhiều nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bào Dao Đỏ như: Ngôn ngữ; ẩm thực...

Rời Nặm Tốc chúng tôi lưu luyến vẫy tay chào những em bé da ngăm khỏe mạnh, vẫn nhớ mãi nụ cười hồn nhiên cô bé Triệu Thị Quỳnh: "Năm nay em được đi học nội trú ở Chợ Mới rồi. Em sẽ cố gắng học giỏi, sau này về dạy chữ cho các em bé và mang kiến thức về để gia đình hết khổ".

Hơn hết là những chia sẻ chân tình của anh Triệu Văn Pu: "Chúng tôi đang cố gắng từng bước thoát nghèo, mong rằng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của Nhà nước để có đường đi lại, thông tin liên lạc thuận lợi. Bà con cũng mong muốn có công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và được tham dự các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, có mô hình phát triển kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập"./.

Xem thêm