Món ăn đặc sản ngày Tết

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Tết đến, xuân về là dịp mọi người sum họp, cùng gia đình đầm ấm đón Tết và nhớ về cội nguồn. Ngày Tết, người dân vùng cao Bắc Kạn cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống để dâng lên tổ tiên và chung vui cùng họ hàng, bạn bè đón một năm mới no ấm và hạnh phúc.
Các món ăn đặc sản vùng cao của Bắc Kạn.

Các món ăn đặc sản vùng cao của Bắc Kạn.

Ngày Tết bên mâm cơm không thể thiếu những chiếc bánh chưng, tuy nhiên khác với những chiếc bánh chưng vuông truyền thống thì người Tày Bắc Kạn lại sáng tạo ra gói bánh dài trông rất hấp dẫn. Những tàu lá dong xanh mướt được chọn lựa kỹ càng cùng các loại gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lạt giang... Những ngày giáp Tết nhà nhà ai cũng tự gói bánh chưng, chiều 30, hương bánh chưng Tết tỏa ra khắp làng thơm nức.

Những tiếng nói cười rôm rả bên những căn bếp của bà con vùng cao rủ nhau chung thịt lợn. Tiếng dao, thớt băm thịt nghe rộn ràng không khí của ngày Tết. Điều đặc biệt ở vùng cao nơi đây từ thành phố đến thôn, bản hầu hết nhà nào cũng tự tay muốn làm món lạp sườn hun khói, thịt treo gác bếp. Lạp sườn là món ăn không thể thiếu của ngày Tết của người Bắc Kạn. Nhiều nhà thịt được con lợn ngon, họ cắt ra từng miếng dài, đều tăm tắp, xâu vào lạt rồi treo trên gác bếp, khi thịt se lại thì lấy ra rửa sạch thái xào với tỏi, hành đều ngon, miếng thịt vàng óng ánh trông thật hấp dẫn.

Canh măng cũng là món ăn truyền thống của người vùng cao Bắc Kạn, măng có thể mua ngoài chợ, hoặc lấy từ trên rừng về cắt tỉa phơi khô qua những đợt nắng, rồi cất kỹ để dành ăn Tết. Món canh măng thường được nấu với xương, móng giò lợn, món này kỳ công, ninh kỹ chừng một giờ đồng hồ.

Bên cạnh đó, canh miến truyền thống cũng là món quen thuộc của người dân vùng cao. Những sợi miến to gấp 4-5 sợi miến truyền thống, thường được nấu với nước luộc gà, lòng gà cùng với nấm hương, mộc nhĩ, sợi miến dai, giòn, tạo nên hương vị riêng biệt, ai thưởng thức một lần đều nhớ mãi.

Nhà nào cũng muốn sắm cho mình một cái Tết tươm tất nhưng tiết kiệm, chính vì thế người dân vùng cao, đặc biệt các vùng dân tộc thiểu số như: Huyện Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn… đều tự làm bánh khảo đủ sắc màu, khẩu sli, bánh trời (pẻng phạ), bỏng (khẩu phéc)...

Trong những ngày Tết, không thể thiếu những đĩa xôi thơm mùi nếp mới được bà con trang trí bắt mắt bằng những loại lá cẩm đủ màu sắc. Bên cạnh đó, món bánh giầy được làm màu bằng lá ngải, cẩm tím, quả gấc… rực rỡ được trưng bày trên những mâm cỗ trong lễ hội lồng tồng.

Những món ăn đón Tết của người vùng cao đơn giản, đều là tự tay chế biến. Mỗi món ăn đều toát lên sự tinh tế, sáng tạo, sự cố gắng, tâm huyết của họ sau một năm lao động siêng năng, kỳ vọng bước vào năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn./.

Bích Ngọc

Xem thêm