Miền Tây ký sự: “Vườn ông Sáu Dân” và việc số hóa giáo dục lịch sử truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Trái với tưởng tượng của chúng tôi trước khi đến Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nơi đây không mang bầu không khí trầm lắng, tĩch mịch thường thấy của các di tích. Trái lại, việc hồi nhớ chân dung, sự nghiệp và con người của ông “Sáu Dân” được thể hiện bằng ngôn ngữ thiết kế hiện đại, rất mở và vô cùng gần gũi, sống động.
Khách tham quan Nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân”.

Khách tham quan Nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân”.

Ông “Sáu Dân” là cái tên thân thương, trìu mến mà người dân địa phương thường gọi đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (23/11/1922 - 23/11/2022) của ông, UBND tỉnh Vĩnh Long khánh thành đưa vào sử dụng nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” nằm trong Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây là công trình do gia đình cố Thủ tướng phối hợp tỉnh Vĩnh Long thực hiện, nhằm mang lại diện mạo mới cho Khu lưu niệm; tạo sự kết nối và không gian đối thoại về lịch sử, cảm xúc, truyền thống cách mạng, con người, khơi nguồn cảm hứng yêu đời và sống có lý tưởng cho thế hệ trẻ.

Nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” là một không gian mở, cung cấp tri thức cho những ai muốn nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đặc biệt, nhà trưng bày có thiết kế rất hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giáo dục truyền thống, truyền đi thông điệp về con người, nhân cách và sự nghiệp của một vị lãnh đạo có công lao to lớn với đất nước.

Đeo tai nghe trang bị sẵn, du khách vừa xem video clip vừa nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đeo tai nghe trang bị sẵn, du khách vừa xem video clip vừa nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Các tiểu cảnh trưng bày làm nổi bật tính cách của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là sâu sát thực tế, biết lắng nghe, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới. Vận dụng lý luận và thực tiễn, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần giúp đất nước ta xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp; hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước với nhiều dự án quan trọng, có tầm nhìn chiến lược như: Thủy điện Trị An; công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây; khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau… và nhất là dấu ấn của ông Sáu Dân với công trình đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam...

Gọi là vườn, nhưng không phải là vườn cây thiên nhiên. Trong không gian bài trí tinh tế, hiện đại là các bảng chữ trích dẫn những câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trên tường và trong các hộc bàn là những màn hình, khi kéo ra sẽ phát video, phim tài liệu về ông Sáu Dân. Tại các vị trí trưng bày còn có nhiều tai nghe không dây, du khách chỉ cần bấm nút sẽ được nghe lại giọng nói, phát biểu hoặc những đoạn ghi âm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cuối khu “Vườn ông Sáu Dân” là một mô hình cây vú sữa lớn, khi áp tai vào các vị trí thân cây có thể nghe được những bài hát đi cùng năm tháng. Gần đó là một cánh cửa bí mật, bên trong là phòng chiếu phim được bài trí giản dị với màn hình cỡ lớn, điều khiển bởi máy tính. Vào đây, du khách sẽ được xem những đoạn phim tài liệu xúc động về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Chụp ảnh lưu niệm cùng lời nhắn nhủ của ông Sáu Dân: “Không ai chọn cửa để sinh ra”.

Chụp ảnh lưu niệm cùng lời nhắn nhủ của ông Sáu Dân: “Không ai chọn cửa để sinh ra”.

Được đưa vào hoạt động từ trung tuần tháng 11/2022, “Vườn ông Sáu Dân” trở thành một “địa chỉ đỏ” hết sức ấn tượng và độc đáo để giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.

Từ “Vườn ông Sáu Dân”, nghĩ về quê hương Bắc Kạn với những di tích lịch sử cấp quốc gia hiện chưa có nguồn lực để được quan tâm đầu tư thỏa đáng, trong khi đội ngũ người làm công tác hướng dẫn viên, thuyết minh viên còn thiếu và non trẻ về nghiệp vụ, những người cầm bút chúng tôi không khỏi có những phút chạnh lòng. Tuy nhiên, cũng từ đây, chúng ta đã thấy những tia sáng hy vọng mở đường cho công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử. Tia sáng đó là cần đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn, quảng bá và giáo dục lịch sử tại các khu di tích.

Được biết mới đây, Khu di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông), nơi Bác Hồ tặng thanh niên xung phong 4 câu thơ nổi tiếng “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên”, đã được số hóa các thông tin phục vụ việc tìm hiểu, khai thác. Du khách truy cập website https://ditichnatu.backan.gov.vn/ hoặc quét mã QR là có thể tham quan, nắm bắt thông tin, tra cứu tài liệu về toàn bộ Khu di tích lịch sử quốc gia Nà Tu qua công nghệ ảnh 3D, trên ứng dụng có thuyết minh bằng tiếng Việt và phụ đề bằng tiếng Anh.

Những mô hình số hóa việc trưng bày, thuyết minh, giới thiệu di tích lịch sử, truyền thống cách mạng như tại Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long hay tại Khu di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông đều rất cần được nhân rộng tại các khu di tích lịch sử quan trọng trong tỉnh. Qua đó, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân địa phương và du khách gần xa, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng./.

Đăng Bách

Xem thêm